Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường

Gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 04/11/2015

Ông Võ Đồng Hoành, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để bỏ vào hố tập trung.

Gắn bó với công việc đồng áng đã hơn 50 năm, ông Võ Đồng Hoành, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thực sự ngán ngẩm với vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu trên ruộng.

Hồi tưởng lại khoảng thời gian hơn chục năm trước, khi ấy ông có thói quen vứt vỏ chai, bao bì xuống ruộng sau khi pha thuốc.

Nhưng cũng không ít lần chợt bắt gặp hình ảnh những con cá nhỏ lượn lờ yếu ớt xung quanh vỏ chai, nhiều con nằm thoi thóp như sắp chết.

Kể từ đó, ông Hoành quyết tâm thay đổi thói quen sử dụng. 

“Khi ấy tôi chợt nghĩ, nếu cứ vứt xuống ruộng như thế trong thời gian lâu dài gây hậu quả như thế nào? Chưa kể nhiều loại thuốc khá độc chồng chất năm này qua năm khác trong môi trường sẽ ảnh hưởng đến con cháu mình ra sao? Từ đó tôi bắt đầu hành động và kêu gọi bà con gần nhà làm giống tôi.

Mỗi lần mang bọc thuốc ra ruộng thì cũng lấy cái bọc đó đựng vỏ bao bì đem về, gom lại một chỗ cách xa nhà để tiêu hủy.

Nhưng bây giờ thì tôi thấy phấn khởi lắm, khi có được mấy cái hố thu gom ở địa phương”, ông Hoành tâm sự.

Hiện trên 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có những hố thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật như thế.

Cách làm này bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tạo bước chuyển trong nhận thức của người dân.

Theo đó, cán bộ bảo vệ thực vật sẽ tiến hành thu gom và vận chuyển đến nơi tiêu hủy tập trung.

Mặt khác, các địa phương còn phối hợp với một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Tân Thành, Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) để xây dựng thêm nhiều điểm thu gom.         

Bên cạnh đó, để hạn chế vấn đề lạm dụng thuốc trên cây trồng, cán bộ bảo vệ thực vật ở mỗi địa phương còn tích cực vận động nông dân tham gia nhiều lớp tập huấn sử dụng thuốc “bốn đúng”, và nhận được sự hưởng ứng cao từ bà con.

Bà Nguyễn Thị Lệ, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Nhờ được tập huấn mà tôi và mọi người trong ấp này đều biết được thế nào là sử dụng “đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách” để canh tác có hiệu quả, an toàn hơn.

Nông dân chúng tôi chuộng những cách làm như thế lắm; vừa giúp tiết kiệm được tiền vật tư mà ruộng lúa nhà mình vẫn xanh um.

Giờ đây, khi nghe nói về quy tắc bốn đúng là ai cũng thích”.

Từ đầu năm đến nay, Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Long Mỹ đã tổ chức hơn 100 cuộc tập huấn cho nông dân về sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, trồng hoa để thu hút thiên địch; khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và chỉ dùng khi thật sự cần thiết...

Bà Võ Kim Lượng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Long Mỹ, phấn khởi cho biết: “Phải nói là có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của bà con.

Ở góc độ ngành chuyên môn, chúng tôi thực sự hài lòng với kết quả này.

Giờ đây, nông dân không chỉ nhận dạng và sử dụng có hiệu quả các loại thuốc đặc trị để tiêu diệt đối tượng gây hại, mà còn bảo vệ được thiên địch hữu ích trên đồng ruộng”.

Mỗi năm Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường, Hội Nông dân và các địa phương, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền hướng dẫn nông dân bón phân, phun thuốc, các hoạt động thăm đồng cùng nông dân xử lý sâu bệnh.

Những biện pháp trên nhằm hướng đến việc thay đổi dần thói quen canh tác truyền thống của bà con, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp  hiện đại, khoa học và an toàn.

“Riêng chương trình thu gom và tiêu hủy vỏ bao bì này ngành bảo vệ thực vật đã thực hiện khoảng 3 năm nay, số lượng vỏ chai thuốc, bao bì thu về tăng dần qua từng năm.

Trong vụ Đông xuân tới đây, chúng tôi còn tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn IPM (Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) nhằm góp phần nâng cao dân trí, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Ngư Dân Khánh Hòa Bọc Nhựa Cho Tàu Cá Vươn Khơi Ngư Dân Khánh Hòa Bọc Nhựa Cho Tàu Cá Vươn Khơi

Tại Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chiếc tàu cá KH 03132 của ngư dân Nguyễn Thanh Hải đang được các công nhân bọc composite.

17/09/2014
Thanh Hoá Phát Triển Nuôi Cá Rô Phi Theo Hướng Xuất Khẩu Thanh Hoá Phát Triển Nuôi Cá Rô Phi Theo Hướng Xuất Khẩu

Cá rô phi đã được đưa vào nuôi theo hướng thâm canh từ năm 2003 trở lại đây, tuy nhiên đến năm 2013 lần đầu tiên sản phẩm cá rô phi của Công ty XNK thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với sản lượng hơn 400 tấn, năm 2014 dự kiến xuất khẩu khoảng trên 2.000 tấn cá rô phi.

17/09/2014
Ông Mấu Văn Gớ Làm Giàu Nhờ Nuôi Dê Ông Mấu Văn Gớ Làm Giàu Nhờ Nuôi Dê

Năm 2003, gia đình ông Mấu Văn Gớ chuyển từ làng cũ dưới lòng hồ Sông Trâu về sinh sống tại khu tái định cư thôn Ma Trai. Khởi nghiệp từ 5 con dê bách thảo, ông Gớ biết tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, hằng ngày chăn thả gia súc dưới những cánh rừng neem.

17/09/2014
Cây Trồng Biến Đổi Gen An Toàn Với Sức Khỏe Vật Nuôi Cây Trồng Biến Đổi Gen An Toàn Với Sức Khỏe Vật Nuôi

Một báo cáo khoa học gần đây tiến hành dựa trên các dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trên hơn 100 tỷ động vật được nuôi bằng thức ăn có thành phần từ cây trồng biến đổi gen đã kết luận rằng, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cây trồng biến đổi gen gây tác động tiêu cực đối với sức khỏe vật nuôi.

17/09/2014
Ai Mua Mía Không! Ai Mua Mía Không!

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào niên vụ sản xuất mía đường năm 2014-2015, trong điều kiện giá mía nguyên liệu thấp, sản lượng đường tồn kho cao và khó tiêu thụ khiến nhà máy và nông dân khốn đốn. Khó khăn là vậy, nhưng một số nhà máy đường lại bị Bộ TN-MT đề nghị đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm, đẩy hàng loạt hộ trồng mía vào cảnh chới với vì chẳng biết bán mía cho ai?

17/09/2014