Gắn Chíp Điện Tử Để Quản Lý Cá Tra Bố Mẹ Chọn Giống

Đây là một trong những quy định tại Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký quyết định ban hành.
Quy chế được ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý đàn cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu đến năm 2015 có đủ giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh, thay thế toàn bộ giống cá tra hiện nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững cá tra.
Theo Quy chế, cá tra chọn giống cung cấp cho các cơ sở tiếp nhận làm cá tra bố mẹ phải đảm bảo chất lượng, được gắn chíp điện tử để quản lý. Không trao đổi, mua bán cá tra chọn giống. Trường hợp cơ sở nhận nuôi, nếu không tiếp tục nuôi phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trực tiếp quản lý.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II là đơn vị được giao sản xuất cá tra bố mẹ chọn giống theo đặt hàng của Tổng cục Thủy sản, gắn chíp điện tử để quản lý và cung cấp phiếu xác nhận xuất xứ cá tra bố mẹ chọn giống cho cơ sở tiếp nhận làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc, tổ chức tập huấn về quy trình sản xuất cá tra giống từ cá tra bố mẹ chọn giống cho cơ sở tiếp nhận và các cơ sở sản xuất cá tra giống.
Cơ sở tiếp nhận đàn cá tra bố mẹ chọn giống khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất giống từ cá tra bố mẹ chọn giống và có nhu cầu tiếp nhận cá tra bố mẹ chọn giống cần đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 15/10 hằng năm; cam kết tiếp nhận cá tra bố mẹ chọn giống từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và tuân thủ hướng dẫn quy trình công nghệ về sản xuất cá tra giống từ đàn cá tra chọn giống; thực hiện thay thế cá tra bố mẹ chọn giống sau 4 năm kể từ khi cho sinh sản lần đầu.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 670 triệu USD.
Theo xu hướng chung, nhiều nước châu Âu nhập khẩu cá tra sẽ chuyển dần sang nhập khẩu cá tra có chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây, ở Tây Nguyên, cây hồ tiêu được người trồng trên các loại trụ “chết” như gỗ hoặc gạch, bê tông... Thời gian gần đây, nông dân đang chuyển dần sang các loại trụ “sống” như keo dậu, lồng mức, muồng đen…

Một vùa vải bội thu là niềm vui lớn với người dân các vùng trồng vải ở Lục Ngạn. Ngược lại “180 độ”, người dân vùng Yên Thế đang phải than ngắn, thở dài với những đàn “gà đồi Yên Thê”- thương hiệu mà cả chính quyền và nông dân cố công gây dựng mấy năm qua với nhiều kỳ vọng.

Thời gian gần đây do giá cao su trên thị trường giảm thấp, cùng với một số nguyên nhân khác khiến nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền chuyển sang trồng các loại cây khác.

Xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 21ha. Mặc dù người dân đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Nhưng do trình độ kỹ thuật lạc hậu, nuôi thả quảng canh, manh mún, nên năng suất, sản lượng thủy sản chưa cao (năng suất đạt 1,5 -2 tấn/ha, sản lượng đạt 43,6 tấn/năm).

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hải Giang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã thuần hóa, nuôi dưỡng thành công nhiều loài động vật sống trong tự nhiên và đem lại hiệu quả khá lạc quan. Trong đó, nuôi dúi và nhím được xem là mô hình mang lại lợi nhuận cao.