Gà nhập khẩu đá bại gà trong nước

Đây là thông tin được Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết tại buổi làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tại Đồng Nai vào ngày 13-8 về việc thịt gà nhập khẩu bán giá “siêu rẻ” ở thị trường trong nước.
Gà nhập khẩu “siêu rẻ”
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, hiện nay người chăn nuôi đều phải cắn răng chịu lỗ vì tiền đầu tư vào trang trại, nhà máy quá lớn nên không thể dừng lại được”.
Theo thống kê, năm 2013, thịt gà nhập khẩu về Việt Nam có giá bán vào khoảng 27 - 28 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán thịt gà nhập khẩu sáu tháng đầu năm nay “đột nhiên” giảm xuống chỉ còn 17 - 20 nghìn đồng/kg. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng, nếu giá thịt gà nhập khẩu bán 20 nghìn đồng/kg thì tương đương với 15,2 nghìn đồng/kg gà sống (gà hơi). Trừ chi phí cấp đông, chi phí nhà phân phối, chi phí vận chuyển, thuế… thì giá thành gà hơi chưa tới 10 nghìn đồng/kg. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đưa ra so sánh, giá thức ăn cho gà ở nước nhập khẩu thịt gà và ở Việt Nam chênh lệch không nhiều nhưng giá gà hơi ở nước ta đắt hơn tới 15 nghìn đồng/kg là vô lý.
Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 80 nghìn tấn thịt gà các loại, trong sáu tháng đầu năm nay đã nhập khẩu hơn 50 nghìn tấn. Ông Nguyễn Văn Quyết phân tích: “Trong cơ cấu giá thành nuôi gà, toàn bộ con giống đều phụ thuộc vào 2-3 nhà cung cấp chính. Thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam trong nước cao hơn các nước do phải nhập khẩu, thuộc thú ý phải dùng nhiều hơn do dịch bệnh nhưng bù lại giá nhân công rẻ hơn nhiều”.
“Do đó, giá thành chăn nuôi gà của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trong khu vực và không cao hơn nhiều so với các nước nhập khẩu thịt gà. Với mức giá bán rẻ và lượng nhập khẩu gà lớn như hiện nay đã khiến giá gà trắng trong nước liên tục giảm mạnh. Gà nhập khẩu “đá bại” gà trong nước.”, ông Quyết bức xúc nói.
Người chăn nuôi điêu đứng
Với việc nhập khẩu thịt gà mỗi tháng lên đến 6.000 tấn thịt đùi, cánh gà. Nếu quy đổi số lượng thịt gà này ra gà (2,5kg/con) thì tương đương với ba triệu con gà thịt/tháng. Trong khi đó, toàn ngành chăn nuôi gà ở nước ta mỗi tháng thu hoạch khoảng 8 - 8,4 triệu con. Điều này có nghĩa là gà nhập khẩu đã chiếm khoảng 40% tổng sản lượng gà công nghiệp được nuôi trong nước.
Theo thống kê từ Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cả nước có khoảng 5.000 trang trại nuôi gà với tổng vốn 15 nghìn tỷ đồng. Nếu các bộ, ngành liên quan không nhanh chóng điều tra, làm rõ giá gà nhập khẩu được bán với giá rẻ “bất ngờ” thì không những ảnh hưởng đến đời sống 15 nghìn nông dân liên quan đến nuôi gà, mà còn kéo theo hệ lụy các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy giết mổ, nhà máy thuốc thú y… cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho hay: “Tình hình thịt gà nhập khẩu bán với giá rẻ không chỉ mới xảy ra, mà trước đó, từ năm 2011 đã có “dấu hiệu” này. Nhưng hiện nay giá gà nhập khẩu được bán với giá rẻ khiến người nuôi gà gặp rất nhiều khó khăn. Tôi muốn có sự cạnh tranh công bằng giữa người nuôi gà trong nước với các nước xuất khẩu thịt gà vào Việt Nam. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ về nguồn gốc thịt gà nhập khẩu có an toàn thực phẩm không, cũng như chứng minh việc giá bán như hiện nay là phù hợp”.
Còn Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Nguyễn Phương Nam cho rằng, tình trạng này xảy ra từ năm 2011 nhưng do Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ thông báo chậm nên đến nay Cục Quản lý cạnh tranh mới biết. Cục đã và đang cùng với các hiệp hội, doanh nghiệp, người chăn nuôi… phối hợp tìm ra các giải pháp để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 17-4 UBND huyện Đak Hà (Kon Tum) cho biết vừa phối hợp với Văn phòng điều phối EDE Consulting khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo giới thiệu dự án “Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn-Hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê”.

Là một trong số ít nông sản của Hà Nội được cấp nhãn hiệu tập thể và có chất lượng thơm ngon, tuy nhiên, khoai lang Đồng Thái (huyện Ba Vì) vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kênh tiêu thụ ổn định.

Sản phẩm của cây dừa Bến Tre đã có mặt ở 77 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng nông dân trồng dừa thu nhập vẫn thấp; sản phẩm chế biến từ dừa đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành dừa phát triển bền vững cần vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp (DN).
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây có múi tăng, nhưng mạnh nhất là sản phẩm chanh tươi. So với mùa thuận, giá chanh hiện nay tăng gấp 4 - 5 lần, nhiều nhà vườn trồng chanh ở Đồng Tháp “hốt bạc” nhờ vụ chanh nghịch mùa năm nay.

Do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, hiện giá nhiều loại thủy sản như: cá lóc đồng, cá ba sa, lươn, cá bống kèo, ếch… đã tăng từ 3.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước.