Gà Đông Tảo Ở Xứ Quảng

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, SN 1978 ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam) là người tiên phong nuôi gà Đông Tảo tại địa phương.
Đầu năm 2013, anh Tuấn tìm đến “quê hương” của gà Đông Tảo tại xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) mua 50 con gà 1 tuần tuổi về nuôi.
Mặc dù đã học hỏi kinh nghiệm, tham khảo tài liệu… nhưng số gà Tuấn mua về bị chết 35 con, song anh vẫn kiên trì nuôi. Đến đợt thứ 2 anh nuôi mua 50 con chỉ chết 5 con. Theo Tuấn, thời điểm gà từ 1 - 2 tuần tuổi nếu thời tiết lạnh thì phải thắp đèn để giữ ấm, nắng nóng thì thả rông, không nhốt. Đặc biệt, khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phải đặt lên hàng đầu.
Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay trang trại của Tuấn đã cho ra thị trường giống gà Đông Tảo thích nghi với khí hậu miền Trung. Nhiều người tìm đến trang trại của Tuấn để mua giống. Tuy nhiên, với quy mô nuôi chưa lớn nên anh không cung cấp đủ gà giống cho khách.
Hiện anh nuôi trên 200 con gà Đông Tảo, trong đó gần 80 con gà sinh sản. Sau hơn 1 năm nuôi giống gà này, Tuấn đã bán được 300 con gà giống, gà thịt, trừ chi phí thu lãi ròng khoảng 100 triệu đồng.
"Hiện có nhiều người đem gà giống Đông Tảo từ Hưng Yên về đây bán cho bà con, song tỷ lệ rủi ro rất cao, bởi gà chưa thuần với khí hậu vùng nuôi. Gà bố mẹ, gà con của tôi đã quen với môi trường nên khi người dân mua về nuôi chúng thích nghi tốt.
Thức ăn của gà Đông Tảo giống gà ta, nhưng chuồng trại nên làm trong khu vực có nhiều bóng cây che mát. Gà Đông Tảo thường đẻ trứng tự nhiên (mỗi con đẻ từ 12 - 15 trứng) không đẻ vào ổ làm sẵn nên người nuôi phải theo dõi để lấy trứng mang vào lò ấp. Giống gà này rất vụng về trong việc ấp và nuôi con. Chân to, khỏe nên khi đẻ xong là phải thu trứng ngay nếu không chúng bị dẫm vỡ trứng" anh chia sẻ.
Nuôi gà Đông Tảo mang lại hiệu quả kinh tế gấp 15 lần nuôi gà ta, gà thịt có trọng lượng 2 kg có giá gần 3 triệu đồng, trong khi gà ta chỉ 200.000 đồng. Gà giống Đông Tảo cũng có giá cao gấp nhiều lần so với gà ta. Gà 2 ngày tuổi 200.000 đồng/cặp, 1 tuần tuổi 400.000 đồng/cặp; 1 tháng tuổi 2 - 3 triệu đồng/cặp, gà bố mẹ trên 20 triệu đồng/cặp.
Ngoài việc nuôi gà Đông Tảo, anh Tuấn đã mở rộng thêm trang trại rộng 22.000 m2 thả nuôi 10.000 con nhông cát, 100 con kỳ đà, 500 con kỳ tôm, 5.000 con rắn mối… và hơn 10.000 cây ăn quả. Hàng năm cho thu nhập gần 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 600 triệu đồng.
Anh nói, gà giống cung cấp ra thị trường phải đảm bảo, chỉ những con giống tốt mới bán, làm theo kiểu buôn gian bán lận sẽ đổ vỡ.
Có thể bạn quan tâm

Ở vùng đất bãi ngang khó khăn Hải Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), gia đình anh Đỗ Văn Tùng đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học và đạt được những thành công bước đầu.

Ngày 29.7, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết tổ chức này cùng với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa ký thực hiện hai chương trình hợp tác là Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái tại VN và Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Chương trình ICMP) giai đoạn 2.

Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu lai tạo và khôi phục nhiều giống lúa chịu mặn, chịu phèn giỏi.

Ngày 30-7, nguồn tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền vừa đồng ý với đề nghị của sở về việc dừng xây dựng đề án quy hoạch, phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Phân bón được coi là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, năng suất của cây trồng và gây thiệt hại về kinh tế. Gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra một số trường hợp như vậy, gây thiệt hại, lo lắng cho nhiều hộ dân.