Gà Chọi - Hướng Mới Trong Chăn Nuôi

Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi ở Yên Thế đã thành công với mô hình nuôi gà chọi thương phẩm. Vợ chồng anh Đào Văn Hải, chị Thân Thị Thùy ở thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) là một hộ điển hình.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm các khu nuôi nhốt gà anh vừa phấn khởi khoe: "Hôm qua, vợ chồng tôi vừa bán gần một tạ gà được hơn mười triệu đồng. Từ giờ đến Tết tôi còn được bán một trăm con nữa”.
Hơn 1 ha vườn đồi trước đây được gia đình anh Hải chăn thả gà mía nhưng qua tìm hiểu thấy gà chọi thương phẩm nuôi kinh tế hơn nên đầu năm 2010 anh đã gây 13 gà mái đẻ và hai con gà trống. Sau một năm chăm bẵm, anh chị có gần 300 con cả gà trưởng thành và gà con.
Đến nay, đàn gà chọi của gia đình anh luôn có từ ba đến bốn trăm con. Anh cho biết thêm gà chọi dễ nuôi, bình quân mỗi con mái đẻ khoảng 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 10-15 trứng, gà tự ấp sau hơn 20 ngày thì trứng nở. Giống gà này rất khỏe, khả năng chống chịu và thích nghi tốt. Nhưng để gà thật sự khỏe mạnh về mùa rét và mùa mưa cần làm chuồng có đóng các giàn tre thành nhiều tầng cho gà đậu trên đó ngủ tránh tiếp xúc với đất lạnh.
Đặc biệt, không nhốt gà chọi tập trung một chỗ vì chúng sẽ mổ nhau. Lúc nhỏ cho gà ăn cám bột ăn thẳng và cám ngô, lúc gần xuất chuồng cho ăn ngô, thóc. Thời gian từ khi gà nở đến khi xuất chuồng từ 5-6 tháng, mỗi con nặng bình quân 3-3,5 kg (gà trống) và 2,5-2,8 kg (gà mái).
Được biết, thịt gà chọi được nhiều người ưa chuộng ở các nhà hàng nên đầu ra khá thuận lợi; gà chưa đến ngày xuất chuồng đã có người đến đặt mua với giá bình quân từ 130-150 nghìn đồng/kg. Mỗi năm anh chị bán khoảng 300 con gà thịt và hàng trăm con gà giống, trừ chi phí thu về hàng trăm triệu đồng lãi. Không chỉ vậy, anh Hải còn chọn một số con có vóc dáng tốt nhất trong mỗi lứa để chăm sóc riêng, bán cho giới "luyện” gà chọi với giá hàng triệu đồng mỗi con.
Mô hình của anh Hải, chị Thùy đã mở ra một hướng mới trong chăn nuôi gia cầm, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Phát huy lợi thế đất đai, nguồn nước, mấy năm trở lại đây, nông dân thôn Hoà Sơn, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã liên kết trồng cải ngọt an toàn. Nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ loại cây trồng này.

Từ giữa tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), đã có hàng nghìn hộ dân hưởng ứng ra quân tỉa thưa, tỉa tán, tạo cành cho cây điều.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã bàn thảo nhiều giải pháp vực dậy ngành công nghiệp cá tra. Song hiện tại doanh nghiệp và hàng loạt hộ nuôi vẫn gặp khó, bởi giá cá dưới chi phí giá thành, thị trường xuất khẩu biến động…

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đến nay đã 15 năm. Chỉ thị này góp phần nâng cao ý thức, hạn chế tình trạng khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ở các địa phương. Song, để chấm dứt hoàn toàn thì không phải là chuyện dễ.

Ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự hiện có trên 70 hộ nuôi bò với gần 500 con bò các loại. Những năm gần đây, người dân đã biết chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò, đưa giống bò lai vào nuôi thay thế đàn bò truyền thống và bước đầu đem lại hiệu quả cao.