Được Mùa Ruốc Biển

Những ngày này, làng biển Thủy Đầm, Bá Hà… (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhộn nhịp từ sớm bởi từng chiếc ghe thuyền đầy ắp ruốc cập bờ, mang theo bao niềm vui cho ngư dân.
Vừa trở về sau chuyến khai thác ruốc biển, ông Phan Cảo (thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) cho biết, khai thác ruốc không phải là nghề chính của ngư dân Ninh Thủy, nhưng năm nay ruốc xuất hiện dày nên nhiều tàu thuyền khai thác xa bờ ở Ninh Thủy đã tranh thủ ở lại bờ để khai thác.
“Hơn 1 tuần nay, ruốc biển nhiều nên tàu tôi chưa vội đi câu cá nhám mà ngày nào cũng ra biển cào ruốc, mỗi chuyến đi cũng khai thác được 6 - 7 tạ ruốc tươi. Khi về bờ có thương lái tiếp cận thu mua ngay, giá bán lại cao nên thu nhập của ngư dân rất khá” - ông Cảo chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường mùa ruốc biển ở vùng biển vịnh Vân Phong bắt đầu từ khoảng tháng 10 Âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Năm nay, mùa ruốc đến muộn hơn nhưng đầu mùa sản lượng khai thác được khá cao. Ngư dân Phan Kim (thôn Bá Hà, phường Ninh Thủy) cho hay: “Gần đây, có thể do ảnh hưởng của thời tiết, có bão nên ruốc xuất hiện gần bờ, đi theo từng luồng rất dày.
Để đánh bắt ruốc, ngư dân dùng ánh sáng đèn dụ đàn ruốc tập trung rồi lấy vợt xúc; hoặc cào ruốc ở tầng nổi vào ban ngày với loại lưới dày. Tuy mới đầu mùa, nhưng nhiều ngư dân đã trúng đậm ruốc biển. Như gia đình chúng tôi, cứ khoảng 5 giờ sáng thì bắt đầu đi biển đến khoảng 12 giờ trưa lại về; mỗi chuyến như vậy có thể khai thác được khoảng 25 giỏ ruốc (mỗi giỏ 25kg), nhiều hơn những năm trước 3 - 4 giỏ”.
Khoảng 8 giờ sáng, đứng trên bờ biển phường Ninh Thủy nhìn ra vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong, cách bờ chừng 1 - 2 hải lý có hàng chục ghe, tàu ngược xuôi cào ruốc. Còn ở trên bờ, nhiều người đứng đợi tàu vào với tâm trạng hồ hởi. Hướng mắt nhìn ra biển ngóng tàu của 3 người con trai đang đi cào ruốc, ông Lê Văn Hai (thôn Thủy Đầm) cho biết, hơn tuần nay, hôm nào tàu của gia đình ông cũng đánh bắt được 4 - 5 tạ ruốc biển tươi. Sau khi trừ chi phí, biển cho “lộc” khoảng 6 - 7 triệu đồng/chuyến.
Đến phường Ninh Thủy lần này, chúng tôi chứng kiến niềm vui của những ngư dân như được nhân đôi khi giá ruốc đang ở mức cao. Hiện ngư dân đưa ruốc vào bờ bán với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/giỏ 25kg (khoảng 16.000 - 20.000 đồng/kg). Chính vì vậy, mỗi chuyến biển của ngư dân đi cào ruốc được khoảng 20 - 30 giỏ/chuyến, thu nhập đạt 8 - 15 triệu đồng. Ông Hai tâm sự: “Nhờ được mùa, được giá nên những ngày này, gia đình nào có tàu cũng tận dụng hết thời gian để ra khơi khai thác ruốc biển, có ngày đi 2 chuyến”.
Trò chuyện với chúng tôi khi đang thu mua ruốc tươi về phơi khô, bà Nguyễn Thị Phượng (ở thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Hiện nay, tại các địa phương ven biển của thị xã Ninh Hòa có rất nhiều điểm thu mua ruốc tươi, sau đó phơi khô bán lại cho thương lái tỉnh khác và các điểm thu mua xuất khẩu, giá ruốc khô khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg. Tại mỗi điểm, trung bình mỗi ngày thu mua được 4 - 5 tấn ruốc tươi. Như điểm thu mua của gia đình tôi, từ đầu mùa đến nay đã thu mua được gần 50 tấn”.
Theo ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy, từ nhiều năm nay, khi ruốc xuất hiện, ngư dân trên địa bàn phường dừng các nghề khai thác xa bờ để đi khai thác ruốc. Hiện có hơn 70 tàu thuyền của ngư dân Ninh Thủy đi khai thác ruốc ở vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong, mỗi tàu có khoảng 4 - 6 ngư dân cùng đi. So với những nghề khác, khai thác ruốc cho thu nhập cao hơn nhiều, mỗi ngư dân có thể kiếm được tiền triệu mỗi chuyến.
Nguồn bài viết: http://www.baokhanhhoa.com.vn/kinh-te/201412/duoc-mua-ruoc-bien-2356594/
Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 14.11, Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 13 - AgroViet 2013 do Bộ NNPTNT chủ trì đã chính thức khai mạc tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Đó là mô hình của anh Bùi Nhật Tân ở thôn Cát, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đã hơn 2 năm nay, kể từ khi vườn cây cao su hơn 1ha của gia đình anh cũng như nhiều gia đình trong xã bị bão tàn phá, trong khi nhiều gia đình đang boăn khoăn không biết phải kiếm kế mưu sinh như thế nào thì anh Tân đã quyết tâm tìm một hướng đi mới, không thể dựa dẫm mãi vào nguồn lợi từ cây cao su, hai vợ chồng anh tìm tòi học hỏi và quyết định mở mô hình kết hợp trang trại trên đồi cây cao su.

Đây là phần chính trong nội dung thông tư 47/2013/BNN-PTNT của Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất lúa. Thời gian có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014.

Ngày 16-11, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai dự án trồng 5.000 ha ca cao trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với 100 đại biểu tham gia.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía, giúp bà con có điều kiện đầu tư tái sản xuất trong vụ tới, 14/11/2013, Công ty mía đường Trà Vinh tổ chức triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông dân trồng mía niên vụ 2014 - 2015 ở huyện Tiểu Cần. Chính sách này cũng được áp dụng cho các vùng nguyên liệu mía trên địa bàn toàn tỉnh Trà Vinh.