Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Được Mùa Ruốc Biển

Được Mùa Ruốc Biển
Ngày đăng: 11/12/2014

Những ngày này, làng biển Thủy Đầm, Bá Hà… (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhộn nhịp từ sớm bởi từng chiếc ghe thuyền đầy ắp ruốc cập bờ, mang theo bao niềm vui cho ngư dân.

Vừa trở về sau chuyến khai thác ruốc biển, ông Phan Cảo (thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) cho biết, khai thác ruốc không phải là nghề chính của ngư dân Ninh Thủy, nhưng năm nay ruốc xuất hiện dày nên nhiều tàu thuyền khai thác xa bờ ở Ninh Thủy đã tranh thủ ở lại bờ để khai thác.

“Hơn 1 tuần nay, ruốc biển nhiều nên tàu tôi chưa vội đi câu cá nhám mà ngày nào cũng ra biển cào ruốc, mỗi chuyến đi cũng khai thác được 6 - 7 tạ ruốc tươi. Khi về bờ có thương lái tiếp cận thu mua ngay, giá bán lại cao nên thu nhập của ngư dân rất khá” - ông Cảo chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường mùa ruốc biển ở vùng biển vịnh Vân Phong bắt đầu từ khoảng tháng 10 Âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Năm nay, mùa ruốc đến muộn hơn nhưng đầu mùa sản lượng khai thác được khá cao. Ngư dân Phan Kim (thôn Bá Hà, phường Ninh Thủy) cho hay: “Gần đây, có thể do ảnh hưởng của thời tiết, có bão nên ruốc xuất hiện gần bờ, đi theo từng luồng rất dày.

Để đánh bắt ruốc, ngư dân dùng ánh sáng đèn dụ đàn ruốc tập trung rồi lấy vợt xúc; hoặc cào ruốc ở tầng nổi vào ban ngày với loại lưới dày. Tuy mới đầu mùa, nhưng nhiều ngư dân đã trúng đậm ruốc biển. Như gia đình chúng tôi, cứ khoảng 5 giờ sáng thì bắt đầu đi biển đến khoảng 12 giờ trưa lại về; mỗi chuyến như vậy có thể khai thác được khoảng 25 giỏ ruốc (mỗi giỏ 25kg), nhiều hơn những năm trước 3 - 4 giỏ”.

Khoảng 8 giờ sáng, đứng trên bờ biển phường Ninh Thủy nhìn ra vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong, cách bờ chừng 1 - 2 hải lý có hàng chục ghe, tàu ngược xuôi cào ruốc. Còn ở trên bờ, nhiều người đứng đợi tàu vào với tâm trạng hồ hởi. Hướng mắt nhìn ra biển ngóng tàu của 3 người con trai đang đi cào ruốc, ông Lê Văn Hai (thôn Thủy Đầm) cho biết, hơn tuần nay, hôm nào tàu của gia đình ông cũng đánh bắt được 4 - 5 tạ ruốc biển tươi. Sau khi trừ chi phí, biển cho “lộc” khoảng 6 - 7 triệu đồng/chuyến.

Đến phường Ninh Thủy lần này, chúng tôi chứng kiến niềm vui của những ngư dân như được nhân đôi khi giá ruốc đang ở mức cao. Hiện ngư dân đưa ruốc vào bờ bán với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/giỏ 25kg (khoảng 16.000 - 20.000 đồng/kg). Chính vì vậy, mỗi chuyến biển của ngư dân đi cào ruốc được khoảng 20 - 30 giỏ/chuyến, thu nhập đạt 8 - 15 triệu đồng. Ông Hai tâm sự: “Nhờ được mùa, được giá nên những ngày này, gia đình nào có tàu cũng tận dụng hết thời gian để ra khơi khai thác ruốc biển, có ngày đi 2 chuyến”.

Trò chuyện với chúng tôi khi đang thu mua ruốc tươi về phơi khô, bà Nguyễn Thị Phượng (ở thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Hiện nay, tại các địa phương ven biển của thị xã Ninh Hòa có rất nhiều điểm thu mua ruốc tươi, sau đó phơi khô bán lại cho thương lái tỉnh khác và các điểm thu mua xuất khẩu, giá ruốc khô khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg. Tại mỗi điểm, trung bình mỗi ngày thu mua được 4 - 5 tấn ruốc tươi. Như điểm thu mua của gia đình tôi, từ đầu mùa đến nay đã thu mua được gần 50 tấn”.

Theo ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy, từ nhiều năm nay, khi ruốc xuất hiện, ngư dân trên địa bàn phường dừng các nghề khai thác xa bờ để đi khai thác ruốc. Hiện có hơn 70 tàu thuyền của ngư dân Ninh Thủy đi khai thác ruốc ở vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong, mỗi tàu có khoảng 4 - 6 ngư dân cùng đi. So với những nghề khác, khai thác ruốc cho thu nhập cao hơn nhiều, mỗi ngư dân có thể kiếm được tiền triệu mỗi chuyến.

Nguồn bài viết: http://www.baokhanhhoa.com.vn/kinh-te/201412/duoc-mua-ruoc-bien-2356594/


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Thu Nhập Gần 31 Triệu Đồng/hộ Ở Đồng Xuân (Phú Yên): Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Thu Nhập Gần 31 Triệu Đồng/hộ Ở Đồng Xuân (Phú Yên):

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.

09/04/2013
Tăng Cường Chỉ Đạo Nuôi Tôm Chân Trắng Vụ 2 Năm 2013 Tăng Cường Chỉ Đạo Nuôi Tôm Chân Trắng Vụ 2 Năm 2013

Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

09/07/2013
Cải Tạo Vườn Cà Phê “Tín Hiệu” Đáng Mừng Ở Lâm Đồng Cải Tạo Vườn Cà Phê “Tín Hiệu” Đáng Mừng Ở Lâm Đồng

Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.

12/04/2013
Trồng Chanh Mang Lại Thu Nhập Cao Trồng Chanh Mang Lại Thu Nhập Cao

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh làm nước giải khát gia tăng. Chính vì vậy, hiện giá chanh cũng tăng vọt theo sự biến động của thị trường và có xu hướng tiếp tục tăng trong những ngày tới.

12/04/2013
Trồng Khoai Trên Đất Lúa Trồng Khoai Trên Đất Lúa

Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào.

13/04/2013