Được Mùa Ớt

Với những vườn ớt xuất khẩu đầu mùa trĩu quả với giá thành cao, hứa hẹn một vụ ớt bội thu đối với người trồng ớt ở Tòng Hóa (Hải Dương)...
Những ngày này, bà con nông dân tại khu chuyển đổi thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) đang bắt tay vào thu hoạch những lứa ớt chỉ thiên xuất khẩu đầu mùa trĩu quả với giá thành cao, hứa hẹn một vụ ớt bội thu.
Vụ xuân hè năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hân trồng 2 sào ớt chỉ thiên. Ông Hân cho biết: “Cây ớt chỉ thiên rất dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng khu vực, cho năng suất cao, giá thành ổn định so với công sức đầu tư chăm bón của gia đình. Hơn nữa, người trồng còn được sự quan tâm hỗ trợ của HTX thủy sản địa phương về nguồn giống, vốn và liên hệ đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch nên việc trồng cây ớt tương đối thuận lợi". Ớt đang chín rộ. Mỗi ngày gia đình ông Hân ngắt được khoảng 50 kg ớt chín, giá bán 53 nghìn đồng/kg. Mới lứa đầu nhưng 2 sào ớt của gia đình ông Hân cho năng suất 4 tạ/sào, thu về trên 20 triệu đồng.
Hiện nay, tại khu chuyển đổi của thôn Tòng Hóa, ngoài diện tích trên 100 mẫu mặt nước để nhân dân nuôi thủy sản, các hộ trong khu vực cũng đã tận dụng các khu bờ vùng, bờ thửa bao quanh khu vực nuôi thủy sản để trồng những loại cây ngắn ngày theo phương châm mùa nào thức ấy như: đậu đỗ, vừng lạc, rau xanh và cây ớt chỉ thiên. Trong khu vực chuyển đổi có gần 100 hộ trồng cây ớt với tổng diện tích 15 mẫu.
Vào thời điểm cuối năm, các gia đình trong khu vực chuyển đổi có dự định trồng cây ớt xuất khẩu đã phải bố trí từng khu vực để cày ải, phơi đất, tạo chất đất tơi xốp, hạn chế mầm bệnh gây hại và cỏ dại xâm lấn trước khi xuồng bầu. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong khu vực chủ động về nguồn giống cây, con, HTX thủy sản địa phương đã hợp đồng với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Gia Lộc) và Trung tâm Nhân giống ớt xuất khẩu thuộc Trường Đại học Nông nghiệp 1 để cung ứng giống cây cho nhân dân. Đồng thời, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn cho bà con trong khu vực về kỹ thuật làm bầu, tra hạt và chế độ chăm bón khi xuống giống.
Ưu thế nổi trội của cây ớt chỉ thiên là khả năng chịu hạn cao, ít sâu bệnh và thích ứng với mọi điều kiện thời tiết. Chế độ chăm bón về lượng đạm, lân và kali cũng không nhiều như cấy lúa, mà chỉ cần tập trung vào giai đoạn bón lót và vào quả với lượng phù hợp. Trung bình sau 3 tháng, cây ớt bắt đầu ra hoa và đậu quả, nếu chăm sóc trong điều kiện thích hợp có thể cho thu hoạch từ 3 - 5 lứa/vụ.
Năm nay, năng suất ớt của các hộ ở Tòng Hóa đạt bình quân 4 tạ/sào. HTX thủy sản đã đứng làm khâu trung gian cân và thu mua cho bà con và liên hệ với các chủ đại lý tại chợ đầu mối nông sản ở huyện Gia Lộc để tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm này, HTX thuỷ sản đã cung ứng cho các chủ thu mua được gần 60 tấn ớt với giá từ 46 - 53 nghìn đồng/kg ớt tươi và đã nhận hợp đồng tiêu thụ từ nay đến cuối vụ. Ông Đặng Xuân Quyện, Chủ nhiệm HTX Thủy sản xã Đoàn Kết cho biết:
“Thời gian tới, để duy trì và mở rộng diện tích ớt xuất khẩu tại khu vực, HTX sẽ đề ra nhiều giải pháp để đưa cây ớt xuất khẩu trở thành cây trồng chính trong khu vực. HTX sẽ phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp và làm thủ tục cho bà con vay vốn đầu tư sản xuất. Liên hệ với các trung tâm nhân giống có uy tín trên địa bàn tỉnh cung cấp cây giống tốt cho bà con. Phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây ớt.
Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn đu đủ Long An ruột vàng của gia đình nông dân Dương Trường Sơn (39 tuổi), ở thôn 4, xã Tân Phúc (Hàm Tân - Bình Thuận), chúng tôi ghi nhận cách làm mới anh đang áp dụng trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Để có vườn đu đủ xanh tốt, cho trái nhiều như hiện nay, anh Sơn trải qua bao vất vả khổ cực.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như sở thích của khách hàng, nên từ sản xuất mai vàng, cơ sở của anh Hồ Thanh Tòng ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) chuyển sang trồng các loại kiểng trái.

Ngày 30/12, UBND tỉnh Quảng Nam thông qua quyết định cấp bổ sung hơn 300 triệu đồng cho huyện Duy Xuyên, từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2014, để thực hiện chi hỗ trợ cho các chủ vật nuôi có gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh. Trong năm qua, huyện Duy Xuyên tiêu hủy hơn 14.000 con vịt bị nhiễm cúm gia cầm.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy công tác ứng dụng KHCN vào sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ các hộ nông dân ứng dụng KHCN còn ít. Vì vậy, chất lượng, sản phẩm, giá trị tạo ra từ KHCN vẫn chưa cao, sức cạnh tranh của nông sản Bình Thuận còn yếu.

Theo ông Nguyễn Hữu Long – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay đã phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp tàu cá đã trình UBND tỉnh phê duyệt 82 trường hợp. Huyện Phú Quý có số đăng ký cao nhất với 51 tàu, Phan Thiết 8 tàu, La Gi 22 tàu và Tuy Phong 1 tàu. Trong đó, 71 tàu đóng mới (9 tàu dịch vụ hậu cần và 62 tàu khai thác hải sản xa bờ), nâng cấp, thay mới với tổng kinh phí lên đến 602,51 tỷ đồng.