Được Mùa Lúa Vụ Mùa

Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng bà con nông dân huyện Thuận Nam vẫn có một vụ lúa mùa bội thu, năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Vụ mùa năm nay, huyện Thuận Nam sản xuất 867 ha lúa, tăng 500 ha so với vụ cùng kỳ. Thời điểm hiện nay bà con đã thu hoạch được khoảng 500 ha. Tuy chưa tổng kết vụ, nhưng theo cơ quan chuyên môn, lúa vụ mùa năm nay ở Thuận Nam năng suất bình quân ước đạt 6 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 2 tấn/ha.
Được lúa vụ mùa, nông dân ở địa phương phấn khởi. Phước Nam là địa bàn trọng điểm lúa của huyện, những ngày này trên cánh đồng lúa vàng thường xuyên có 3 máy gặt hoạt động hết công suất. Anh Kiều Văn Thà, cán bộ Nông nghiệp xã Phước Nam, cho biết: Vụ này bà con xuống 302 ha. Do các cánh đồng ở địa phương nằm trong vùng trũng, nên lúa vụ mùa mọi năm thường bị ngập úng. Tuy nhiên, năm nay lúa tốt, bà con đã thu hoạch được 96 ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha.
Chị Châu Thị Thuê, ở thôn Văn Lâm 3, chỉ ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch, bộc bạch: Vụ mùa năm ngoái lúa nhà tôi bị ngập úng, sâu, rầy nên năng suất chỉ đạt 3 tạ/sào, không có lãi. Vụ này tưởng thất thu, vậy mà trúng lớn. Nhà tôi làm 2 sào, đầu tư thấp hơn các vụ trước, nhưng năng suất cao, đạt gần 7 tạ/sào. Với giá lúa 5.300 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí lãi 3,5 triệu đồng/sào.
Những hộ sản xuất nhiều như anh Bá Trung Huy ở thôn Văn Lâm 4, vụ này thu về số tiền khá lớn. Theo anh Huy, vụ mùa năm trước lúa bị ngã, nhiều nơi máy không vào được tốn nhiều công gặt. Năm nay, ruộng khô ráo, máy gặt vào tận nơi giảm được chi phí thu hoạch. Nhà tôi làm 1 ha, lãi chắc trong tay trên 30 triệu đồng. Năng suất lúa ở các xã Phước Ninh, Phước Hà… tuy có thấp hơn, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi các hộ trồng lúa đều có lãi khá.
Đồng chí Lưu Ngọc Lễ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Giống và thủy lợi là hai yếu tố quyết định năng suất lúa vụ mùa đạt cao. Ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con sử dụng các giống lúa chủ lực, kháng bệnh tốt, thân cứng chịu được ngập úng, như: TL 15, TL 202…. Tổ chức triển khai gieo sạ đúng lịch thời vụ nên tránh được sâu bệnh. Đặc biệt, ngành chức năng chú trọng gia cố kênh mương, điều tiết nước tưới hợp lý cho cây lúa phát triển.
Trúng lúa vụ mùa tạo đà cho nông dân tự tin bước vào sản xuất vụ đông - xuân 2012-2013. Theo kế hoạch, vụ lúa đông - xuân địa phương xuống giống 1.200 ha. Nếu tình hình thời tiết không thuận lợi, nhiều khả năng sẽ thiếu nước trong vụ đông - xuân. Để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang chỉ đạo bà con thu hoạch lúa vụ mùa đến đâu, tận dụng nước còn lại ở chân ruộng tổ chức gieo sạ vụ đông – xuân đến đó.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cây nhãn có dấu hiệu hồi phục, những vườn nhãn được đầu tư chăm sóc, thực hiện đúng quy trình của Cục Bảo vệ thực vật thì tỷ lệ bệnh thấp hơn 15%.

Tôm nước lợ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trước những thách thức nội tại của ngành và yêu cầu của thị trường, chỉ có cách nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 530 hộ nuôi cá tra thương phẩm, tăng 6 hộ so với cùng kỳ 2014. Trong đó, số hộ nuôi cá thể chiếm 57,74% số hộ nuôi của toàn tỉnh. Vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm trên 74% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1.319 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương giống cá tra đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn và một số địa phương vùng ĐBSCL.

Theo một nghiên cứu do Oceana công bố gần đây, gần 2/3 cá ngừ bán tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Mỹ là loại cá khác. Kết luận này được đưa ra sau khi Oceana thực hiện một số chiến dịch bảo vệ và khôi phục đại dương.

NK cá ngừ nguyên liệu của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2015 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 6 năm qua, cho thấy rõ ràng quốc gia Châu Á này vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.