Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Được mùa lúa hè thu

Được mùa lúa hè thu
Ngày đăng: 29/08/2015

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang khẩn trương xuống đồng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu 2015. Thiên tai, hạn hán kỷ lục vừa qua những tưởng vụ lúa thất bát, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp, vụ hè thu này được mùa nhất so với mấy năm gần đây.

Ở Yên Thành những ngày này, trên đồng ruộng đang nhộn nhịp không khí thu hoạch lúa hè thu của bà con nông dân. Tại cánh đồng Cổng Đồn, xã Bắc Thành, chị Nguyễn Thị Hải ở xóm 1, vừa vác từng bao tải thóc lên xe bò lốp, vui vẻ cho biết: “Sau khi chuyển đổi ruộng đất, gia đình tôi được chia thửa ruộng rộng 5 sào.

Vụ hè thu này hạn nặng, nhà nông vừa làm ruộng vừa lo, nhưng thật may đến nay lúa được mùa. Chúng tôi sử dụng máy gặt đập liên hợp, chỉ hoạt động hơn 30 phút đã gặt xong 5 sào lúa. Sử dụng máy gặt nhanh, đáp ứng mùa vụ, trước đây gia đình tôi phải thuê 4 lao động, với nhân công 200.000 đồng/người, gặt trong 4 ngày mới xong. Vụ này thu hoạch vào dịp nắng to, gặt lúa về kịp phơi khô khén. Năng suất lúa đạt khoảng 3 tạ/sào, tăng 50 kg/sào so với vụ trước”.

Gia đình anh Văn Dương ở xóm 6, xã Bắc Thành cũng vừa gặt máy xong 6 sào ruộng. Anh Dương chia sẻ: Vụ lúa hè thu năm nay được mùa đồng đều, đạt trên 3 tạ/sào, gia đình sử dụng giống Khang dân, Thiên ưu. Ông Trần Danh Lương, Chủ tịch UBND xã Bắc Thành cho biết: Toàn xã gieo cấy 284 ha, năng suất bình quân dự kiến trên 2,8 tạ/sào.

Từ ngày 19/8, xã đã chỉ đạo bà con gặt xong diện tích vùng chạy lụt khoảng trên 120 ha, tập trung ở các xóm 1, 2, 3, 4, 5. Hiện tại xã đã gặt xong trên 70% diện tích, chủ yếu đang tập trung gặt vùng hồ đập. Thuận lợi là năm nay máy gặt đập liên hợp từ các tỉnh phía Bắc về phục vụ khá nhiều, nên bà con rất dễ thuê, hàng ngày có từ 15 - 17 máy gặt đập liên hợp hoạt động liên tục. Nhiều bà con tranh thủ ban đêm, trời mát để thuê máy gặt. Dự định khoảng 2 - 3 ngày tới, Bắc Thành sẽ thu hoạch xong.

Trên cánh đồng Nghè, xã Nam Thành, bà con nông dân đang “rộ” vụ gặt. Anh Nguyễn Tuấn, một chủ máy gặt đập liên hợp cho hay: “Sau khi chuyển đổi ruộng đất, hệ thống đường nội đồng được mở rộng, cứng hóa nên dễ đưa máy móc xuống gặt cho bà con. Đặc biệt là gặt các thửa ruộng lớn được quy hoạch 3 - 5 sào/thửa, gặt máy rất nhanh, mỗi ngày chúng tôi gặt được từ 30 - 40 sào lúa”.

Vụ hè thu này xã Nam Thành gieo cấy vụ 249 ha, trong đó có trên 70% diện tích vùng ngập lụt khi mưa lớn. Các xóm đã chủ động thuê trên 20 máy gặt đập liên hợp, gặt cuốn chiếu từ vùng sâu cho đến vùng cao. Có khoảng trên 15 ha vùng quá sâu trũng máy không xuống được, bà con đã huy động lực lượng gặt thủ công xong. Đến thời điểm này Nam Thành đã gặt xong trên 80% diện tích.

Huyện Yên Thành là địa phương tiến hành thu hoạch lúa hè thu khá sớm. Huyện đã chỉ đạo tập trung thu hoạch lúa ở các vùng có nguy cơ ngập lụt khi mưa bão như ở các xã Nam Thành, Long Thành, Khánh Thành, Xuân Thành, Bảo Thành, Thọ Thành… Tính ra vụ này, toàn huyện Yên Thành gieo cấy trên 12.300 ha lúa, năng suất bình quân dự kiến đạt từ 54 - 55 tạ/ha (cao hơn vụ hè thu trước từ 2 - 3 tạ/ha).

Đến thời điểm này huyện đã gặt được 40% diện tích, chủ yếu huy động trên 50 máy gặt lúa để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, dự kiến 30/8, toàn huyện sẽ thu hoạch xong vụ hè thu, phòng tránh mưa lũ.

Còn huyện Diễn Châu cơ cấu trên 9.000 ha lúa, năng suất dự kiến đạt 53 - 54 tạ/ha, (được mùa nhất so với vụ hè thu từ trước tới nay). Cơ bản các xã vùng chạy lụt đang tích cực thu hoạch (Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Đồng, Diễn Xuân…).

Huyện có trên 1.000 ha thuộc vùng sâu trũng, máy gặt đập không có khả năng xuống được, phải huy động tối đa nhân lực để gặt thủ công vùng ngập úng trước ngày 26/8. Các vùng thuận lợi các xã đều hợp đồng thuê máy gặt đập đa chức năng thu hoạch lúa, phấn đấu đến ngày 30/8 sẽ gặt xong hết các trà lúa hè thu.

Thời tiết thuận lợi, bà con xã Diễn Thái (Diễn Châu) đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa ở vùng sâu trũng. Chị Hà Thị Lương đang gặt lúa trên cánh đồng Cửa chia sẻ: Lúa chín đạt trên 80%, thời tiết thuận lợi, chúng tôi phải gặt cả ngày và đêm, bởi sợ mưa lụt. Chúng tôi phải thuê thêm 4 lao động, mỗi ngày gặt được 1,5 sào, khoảng 3 ngày nữa sẽ gặt hết 7 sào. Năm nay vừa được mùa, lại vừa được nắng nên bà con nông dân rất phấn khởi phơi lúa, rơm rạ rất thuận lợi.

Tại huyện Thanh Chương, nhân dân sôi nổi xuống đồng thu hoạch gần 5.000 ha lúa. Đến thời điểm này, nông dân các vùng đã thu hoạch được gần 1.700 ha lúa. Năng suất đạt khoảng 44 tấn/ha. Một số giống lúa đạt năng suất cao như Khang dân, Việt lai 20, FL9... Hiện nhiều nhiều xã như Thanh Khai, Thanh Yên, Thanh Dương, Thanh Ngọc, Thanh Lương, Thanh Phong… đang được gấp rút thu hoạch, phấn đấu đến 5/9 sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Vụ hè thu này toàn tỉnh gieo cấy trên 54.000 ha, năng suất bình quân đạt 46 - 47 tạ/ha, hiếm có vụ lúa hè thu nào giành được thắng lợi trọn vẹn như vụ này. Hiện nay Sở đang chỉ đạo các huyện tập trung thu hoạch trước vùng chạy lụt trên 20.000 ha tập trung ở các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc…

Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được 40% diện tích, trong đó phấn đấu vùng có nguy cơ ngập úng sẽ thu hoạch xong trước ngày 30/8. Thời tiết nắng ráo, nhiều địa phương đã chuyển đổi ruộng đất, thuận lợi đưa cơ giới hóa vào, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là vụ hè thu có khá nhiều các trà lúa, như đợt I có trên 20.000 ha, đợt II có trên 10.000 ha… Vì vậy, sở yêu cầu các địa phương đôn đốc các xã khi lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó, đẩy nhanh tiến độ nhằm né tránh lũ lụt…


Có thể bạn quan tâm

Năng Suất Tăng, Dịch Bệnh Giảm Năng Suất Tăng, Dịch Bệnh Giảm

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, trong năm 2013, diện tích mặt nước nuôi tôm và các loài thủy sản nước lợ toàn huyện đạt 970 ha, bằng 99,47% kế hoạch năm, tăng 0,32% so với cùng kỳ. Các diện tích nuôi tôm tập trung tại các xã khu Đông của huyện, gồm Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận. Trong đó, diện tích nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh gần 100 ha; nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ghép các đối tượng thủy sản khác (tôm, cá, cua, hàu)… theo phương thức thân thiện với môi trường 870 ha.

14/11/2013
Cải Tạo Đàn Bò Địa Phương - Hướng Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững Cải Tạo Đàn Bò Địa Phương - Hướng Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững

Huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) là địa phương có số lượng đàn bò lớn nhất tỉnh. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, vận động người dân chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng tổng đàn.

14/11/2013
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Bò Nhốt Thâm Canh Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Bò Nhốt Thâm Canh

Tại thôn 8, xã Hòa Sơn, UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã tổ chức Hội nghị đánh giá và nhân rộng mô hình nuôi bò nhốt thâm canh trên địa bàn huyện. Tham dự hội nghị có đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học Trường Đại học Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo 14 xã, thị trấn và đông đảo người chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Krông Bông.

14/11/2013
Ổn Định Kinh Tế Nhờ Nuôi Bò Sữa Ổn Định Kinh Tế Nhờ Nuôi Bò Sữa

Gần 20 năm cần mẫn với nghề nuôi bò sữa đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (55 tuổi), ngụ tại ấp Chánh Lộc, xã Chánh Mỹ, TP.TDM (Bình Dương) ổn định kinh tế.

14/11/2013
Dịch Lở Mồm Long Móng Diễn Biến Phức Tạp Dịch Lở Mồm Long Móng Diễn Biến Phức Tạp

Các cơ quan chức năng Quảng Trị đang nỗ lực phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số xã ở huyện Gio Linh. Từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn huyện Gio Linh đã xuất hiện thêm 43 con trâu, bò nhiễm bệnh, nâng tổng số gia súc bị nhiễm bệnh đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh là 278 con.

14/11/2013