Được Mùa Lúa Đông Xuân

Những ngày này, thời tiết đang ở đỉnh điểm của nắng nóng, trên cánh đồng Mường Thanh, bà con nông dân cũng vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013 - 2014. Trên khắp nẻo đường các xã của vùng lòng chảo huyện Điện Biên rộn rã tiếng người, tiếng máy.
Khuôn mặt đẫm mồ hôi, chị Đỗ Thị Mai, đội 8, xã Thanh Xương cho biết: Vụ đông xuân năm ngoái, thóc lép nhiều do đạo ôn, rầy nâu; chúng tôi đã nỗ lực cố gắng cứu lúa nhưng không hiệu quả. Năm nay năng suất cao hơn do gia đình gieo đúng khung thời vụ và khi lúa đang chuẩn bị làm đòng gặp mưa nên phát triển tốt; lúa gia đình tôi ước đạt khoảng 63 tạ/ha.
Đang vận chuyển lúa lên chiếc xe tải nhỏ, anh Vì Văn Hải, đội 3, xã Thanh Xương cho biết: Vụ mùa này, gia đình gieo cấy 2.000m2 giống lúa bao thai, tuy giá trị kinh tế không cao như bắc thơm số 7, nhưng giống này đỡ sâu bệnh hơn. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, nên ít sâu bệnh; bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo nhân dân tuân thủ lịch gieo cấy, chuyển đổi giống, thăm đồng thường xuyên, không lạm dụng phân bón hóa học... Có thể nói, vụ này nông dân được mùa lúa.
Là một trong những xã trọng điểm sản xuất lúa vùng lòng chảo Mường Thanh, vụ đông xuân 2013 - 2014, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) gieo cấy gần 270ha với cơ cấu giống: bắc thơm số 7, lúa thuần, nếp, IR64, bao thai.
Ông Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Vụ đông xuân 2012 - 2013, lúa toàn xã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sâu bệnh do không tuân thủ lịch thời vụ, một số loại giống cũ... Từ thực tế đó, vụ chiêm xuân 2013 - 2014, chính quyền xã kiên quyết chỉ đạo các đội, bản gieo đúng khung thời vụ; gieo cấy một số giống lúa mới thay vì chuyên canh giống bắc thơm số 7 như trước đây.
Cùng với đó, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước cho một số chân ruộng trên cao, UBND xã chỉ đạo củng cố, nạo vét hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 đồng thời cử cán bộ khuyến nông, cán bộ thủy lợi phối hợp với Hợp tác xã Thanh Chăn điều tiết nước tưới. Với sự chuẩn bị khá chu đáo, vụ đông xuân năm nay, năng suất lúa của Thanh Chăn ước đạt 63 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước.
Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Vụ đông xuân năm 2013 - 2014, toàn huyện gieo cấy 4.652ha, đạt 100% kế hoạch.
Vụ lúa này, nông dân vùng lòng chảo đã đưa một số giống mới vào trồng thử nghiệm, như: TB28, DT39, PC15 là những giống có ưu điểm năng suất cao, dễ thâm canh; khả năng chống đổ, kháng bệnh bạc lá, đạo ôn tốt. Huyện chỉ đạo các xã thực hiện đúng khung thời vụ để đảm bảo năng suất; tổ chức tập huấn cho trên 4.000 lượt nông dân về quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa mới... Qua kết quả thăm đồng của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho thấy.
Vụ đông xuân 2013 - 2014 tình hình sâu bệnh giảm nhiều bởi các yếu tố: Mật độ gieo cấy đã đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế lượng phân bón hóa học, nhất là phân đạm. Bên cạnh đó, nông dân các xã thăm đồng thường xuyên kiểm tra sát sao tình hình sâu bệnh. Nên tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nhiễm sâu bệnh là 870ha. Có thể nói, vụ đông xuân năm nay năng suất lúa vùng lòng chảo khá cao, trung bình ước đạt 65 tạ/ha.
Vụ đông xuân 2013 - 2014, nông dân huyện Điện Biên được mùa lúa không chỉ bởi yếu tố “mưa thuận gió hòa” mà họ đã áp dụng hiệu quả KHKT, từ chuyển đổi cơ cấu giống, sát sao với đồng ruộng và từng bước "nói không" với lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học. Được mùa lúa, là động lực thúc đẩy nông dân bám đồng, bám đất để thêm nhiều mùa vàng bội thu.
Có thể bạn quan tâm

Khoai tây đang trở thành loại cây rau màu chủ lực đem lại thu nhập cao và là hướng phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Để sản xuất khoai tây phát huy hiệu quả trên từng diện tích canh tác, việc sử dụng nguồn khoai giống có chất lượng, bảo đảm đóng vai trò hết sức quan trọng.

Để giúp người trồng bắp đạt năng suất và hiệu quả cao, vụ Đông Xuân 2013-2014, các xã Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa (Long An) đã triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất, cung ứng và bao tiêu sản phẩm với Công ty Ecofarm với tổng diện tích 52ha; trong đó, xã Mỹ Hạnh Bắc có 32ha.

Nhằm khuyến khích người nông dân sản xuất rau an toàn, từ tháng 3 năm 2013, TP.Sóc Trăng đã vận động 13 nông hộ trồng rau ở khóm 6, phường 4 tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích ban đầu là 2,1 ha, đây là dự án điểm do Liên đoàn đô thị Canada tài trợ.

Cây khoai môn sáp vàng đã gắn bó với người dân xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) gần 10 năm nay. Hiện nay, toàn xã Lộ 25 có trên 10 hécta với trên 30 hộ trồng khoai môn sáp vàng, tập trung chủ yếu ở ấp 1, ấp 2 và ấp 5. Đây là đất trồng bắp và các loại rau màu trước đây được người dân chuyển đổi sang trồng môn sáp vàng.

Vụ Đông xuân này, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) gieo sạ khoảng 8.800ha lúa, trong đó có 2.200ha lúa thơm Jasmine 85. Đây là lúa có giá trị kinh tế cao nhưng dễ nhiễm rầy nâu, vụ này rầy có lúc mật số tới 20.000 con/m2, nhưng ở những ruộng lúa thơm áp dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” thì không bị sâu rầy mật số cao, lại trúng mùa.