Được mùa biển gần bờ

Thu sang. Trời ấm. Từng đàn cá kình, cá ngừ kéo nhau vào bờ. Đó cũng là thời điểm thuận lợi cho hoạt động của nghề khai thác cá vùng ven biển của ngư dân. Cả tháng nay, bến cá Bình Châu, Sa Kỳ, Tịnh Kỳ tấp nập tàu đánh bắt của ngư dân. Tàu vừa về đến cảng, bán cá xong, như dân lại vội vã nhổ neo ra khơi.
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đưa cá vào bờ sau một đêm đánh bắt.
Khai thác gần bờ thường trưa hoặc chiều tàu sẽ ra khơi. Sau một hoặc vài ba ngày tàu sẽ trở vào bờ. Khoảng cách buông lưới chỉ cách bờ mấy chục hải lý. Cá gần bờ thường không phải là loại cá to như đánh bắt khơi xa, nhưng do thời gian trữ cá trên tàu ngắn nên cá rất tươi ngon, bán được giá cao.
Mùa này, cá khai thác gần bờ chủ yếu là cá kình (có nơi gọi là cá bù nú) và cá ngừ loại nhỏ. Tại cảng cá Sa Kỳ, tàu của ngư dân Phạm Văn Mến (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa vào với khoang tàu toàn cá kình. Ngư dân chuyển lên bờ, cân cho chủ nậu. Những chiếc xe chở hàng đông lạnh về mua cá chờ sẵn.
Anh Mến ước lượng số cá mình vừa đánh bắt được khoảng 2 tấn. Giá bán 35.000 đồng/kg, tính ra một đêm đánh bắt thu được khoảng 70 triệu đồng. Bốn lao động trên tàu được anh Mến trả cho mỗi người 5,5 triệu đồng. Riêng anh Mến trừ chi phí, còn lại hơn 30 triệu đồng. “Khoảng 10 ngày nay, ngày nào cũng trúng cá kình. Cá kình mùa này tiêu thụ nhanh, giá giữ mức ổn định” – anh Mến cho biết.
Có nhiều tàu đánh bắt vùng biển cách bờ khoảng 50 hải lý, sau 3 – 5 ngày bủa lưới, hầu hết các tàu đều thu được từ 4 – 6 tấn cá kình. Hiện nay, giá dầu diezel đang giảm sâu nên chi phí đi biển của ngư dân cũng nhẹ hơn trước. Trong khi giá bán cá khá ổn định, nên mức thu nhập của các tàu cá đạt khá cao so với những tháng đánh bắt trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã này cho biết: “Các tàu đánh bắt gần bờ vào thời điểm này mỗi chuyến ra khơi từ 3 – 5 ngày, trừ chi phí còn lãi cả trăm triệu đồng. Lâu lắm rồi ngư dân khai thác gần bờ mới trúng đậm cá kình như thế”.
Sự biến động về mùa cá có lẽ như đang tiếp diễn với mùa thu này, khi mà từng đoàn cá ngừ, cá nục lại kéo về vùng biển gần bờ ở đảo Lý Sơn. Không chỉ tàu cá của ngư dân Lý Sơn mà một số tàu cá của các tỉnh lân cận cũng đổ về đây để đánh bắt. Cá nục mùa này giá bán khoảng 30.000 đồng/kg; cá ngừ khoảng 40.000 đồng/kg đã đem về cho ngư dân niềm vui “cá trái vụ”.
Trò chuyện với chị Dương Thị Hậu ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) khi chị ra cảng cá chờ đón chồng và con trai sau một đêm đi biển. Chị Hậu bảo: “Mấy ngày nay đánh được cá ngừ loại nhỏ. Mỗi đêm cũng được độ 300 – 500kg. Cá về đến bến là có người mua ngay, giá 30.000 đồng/kg. Mọi năm vào thời điểm này ít khi đánh được cá ngừ”.
Cũng tại chân cầu cảng Lý Sơn, nhiều tàu cá khác khai thác được cá nục suôn. Với gần 1 tấn cá nục suôn sau một đêm đánh bắt trên vùng biển cách Lý Sơn khoảng chục hải lý, ngư dân Trần Hiếu, thôn Tây, xã An Vĩnh thu được gần 40 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 24-7-2014, ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bình Đại để nắm tình hình nhằm qua đó hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Đồng Tâm bị vỡ do tình trạng trộm nghêu diễn ra từ đầu tháng 7-2014.

Bất chấp lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân vùng Đồng Tháp, An Giang đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra, tôm càng xanh... sang nuôi loại thủy sản này vì lợi nhuận cao.

Nhận được tin báo, lúc 10g 20 phút ngày 24/7/2014, đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra cơ sở làm tôm của ông Đinh Hữu Điền (ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức- Long Hồ - Vĩnh Long) phát hiện hơn 30 nhân viên đang trực tiếp bơm tạp chất (gồm thạch rau câu và một bịch bột màu trắng không nhãn mác) vào tôm để tăng trọng lượng.

Hơn 2 năm mày mò tự nghiên cứu, anh Vũ Quốc Đạt, thôn Nho Quan, xã Tam Đa (Sơn Dương - Tuyên Quang) đã sáng chế thành công máy ấp trứng nhiệt sinh học sử dụng nguồn nhiệt từ hầm biogas, tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ.

Hiện nay chăn nuôi gia súc nhai lại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát triển rất nhanh, đặc biệt là đàn bò sữa chiếm khoảng 4.700 con, do đó nhu cầu thức ăn xanh cung cấp cho chăn nuôi là rất lớn. Đặc biệt khi dự án phát triển đàn bò sữa toàn tỉnh lên 17.000 con năm 2020 và sản lượng sữa đạt 23.000 tấn thì nhu cầu cỏ cho chăn nuôi càng bức thiết hơn.