Được mùa biển gần bờ

Thu sang. Trời ấm. Từng đàn cá kình, cá ngừ kéo nhau vào bờ. Đó cũng là thời điểm thuận lợi cho hoạt động của nghề khai thác cá vùng ven biển của ngư dân. Cả tháng nay, bến cá Bình Châu, Sa Kỳ, Tịnh Kỳ tấp nập tàu đánh bắt của ngư dân. Tàu vừa về đến cảng, bán cá xong, như dân lại vội vã nhổ neo ra khơi.
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đưa cá vào bờ sau một đêm đánh bắt.
Khai thác gần bờ thường trưa hoặc chiều tàu sẽ ra khơi. Sau một hoặc vài ba ngày tàu sẽ trở vào bờ. Khoảng cách buông lưới chỉ cách bờ mấy chục hải lý. Cá gần bờ thường không phải là loại cá to như đánh bắt khơi xa, nhưng do thời gian trữ cá trên tàu ngắn nên cá rất tươi ngon, bán được giá cao.
Mùa này, cá khai thác gần bờ chủ yếu là cá kình (có nơi gọi là cá bù nú) và cá ngừ loại nhỏ. Tại cảng cá Sa Kỳ, tàu của ngư dân Phạm Văn Mến (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa vào với khoang tàu toàn cá kình. Ngư dân chuyển lên bờ, cân cho chủ nậu. Những chiếc xe chở hàng đông lạnh về mua cá chờ sẵn.
Anh Mến ước lượng số cá mình vừa đánh bắt được khoảng 2 tấn. Giá bán 35.000 đồng/kg, tính ra một đêm đánh bắt thu được khoảng 70 triệu đồng. Bốn lao động trên tàu được anh Mến trả cho mỗi người 5,5 triệu đồng. Riêng anh Mến trừ chi phí, còn lại hơn 30 triệu đồng. “Khoảng 10 ngày nay, ngày nào cũng trúng cá kình. Cá kình mùa này tiêu thụ nhanh, giá giữ mức ổn định” – anh Mến cho biết.
Có nhiều tàu đánh bắt vùng biển cách bờ khoảng 50 hải lý, sau 3 – 5 ngày bủa lưới, hầu hết các tàu đều thu được từ 4 – 6 tấn cá kình. Hiện nay, giá dầu diezel đang giảm sâu nên chi phí đi biển của ngư dân cũng nhẹ hơn trước. Trong khi giá bán cá khá ổn định, nên mức thu nhập của các tàu cá đạt khá cao so với những tháng đánh bắt trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã này cho biết: “Các tàu đánh bắt gần bờ vào thời điểm này mỗi chuyến ra khơi từ 3 – 5 ngày, trừ chi phí còn lãi cả trăm triệu đồng. Lâu lắm rồi ngư dân khai thác gần bờ mới trúng đậm cá kình như thế”.
Sự biến động về mùa cá có lẽ như đang tiếp diễn với mùa thu này, khi mà từng đoàn cá ngừ, cá nục lại kéo về vùng biển gần bờ ở đảo Lý Sơn. Không chỉ tàu cá của ngư dân Lý Sơn mà một số tàu cá của các tỉnh lân cận cũng đổ về đây để đánh bắt. Cá nục mùa này giá bán khoảng 30.000 đồng/kg; cá ngừ khoảng 40.000 đồng/kg đã đem về cho ngư dân niềm vui “cá trái vụ”.
Trò chuyện với chị Dương Thị Hậu ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) khi chị ra cảng cá chờ đón chồng và con trai sau một đêm đi biển. Chị Hậu bảo: “Mấy ngày nay đánh được cá ngừ loại nhỏ. Mỗi đêm cũng được độ 300 – 500kg. Cá về đến bến là có người mua ngay, giá 30.000 đồng/kg. Mọi năm vào thời điểm này ít khi đánh được cá ngừ”.
Cũng tại chân cầu cảng Lý Sơn, nhiều tàu cá khác khai thác được cá nục suôn. Với gần 1 tấn cá nục suôn sau một đêm đánh bắt trên vùng biển cách Lý Sơn khoảng chục hải lý, ngư dân Trần Hiếu, thôn Tây, xã An Vĩnh thu được gần 40 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Lượng lúa hàng hóa tăng trong khi nhu cầu thị trường giảm đã kéo theo giá lúa giảm, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL đang triển khai chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc trồng luân canh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có buổi làm việc với Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet về nội dung xây dựng Trung tâm phân phối và sàn đấu giá hàng thủy sản Việt Nam tại cảng Zeebrugge, Bỉ.

Ngày 25/7, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi thuộc 4 xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè), Phước Thạnh (thành phố Mỹ Tho), Phú Kiết và Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo) của tỉnh Tiền Giang. Tổng số gia cầm mắc bệnh gồm 16.300 con chim cút, 330 con gà và 5 con vịt.

Trong vài năm trở lại đây, cây dong riềng đã và đang khẳng định ưu thế của mình trong việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Từ chỗ chỉ được canh tác và chế biến tại một số thôn, xã của huyện Yên Sơn thì nay đã phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Lực Hành, Xuân Vân, Kiến Thiết, Nhữ Hán (Yên Sơn); Kim Bình, Vinh Quang, Linh Phú (Chiêm Hóa); Thượng Lâm, Lăng Can (Lâm Bình)...

Để khơi dậy ý chí vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững cho bà con nhân dân, mấy năm trở lại đây Đảng ủy, chính quyền xã Sầm Dương (Sơn Dương) tích cực khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào trồng và chăn nuôi mang lại hiệu quả tích cực.