Được Mùa Bắp Nếp

Những ngày qua, nhiều chân đất sản xuất bắp nếp trên địa bàn tỉnh rất được mùa khiến nông dân hết sức phấn khởi.
Tại bãi biền có tên gọi Bạc Hà thuộc thôn Khúc Lũy (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) nông dân đang hối hả thu hoạch bắp nếp. Ông Bùi Văn Long – một người dân địa phương hồ hởi: “Mấy ngày nay vợ chồng tôi cứ quần quật ở ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt để thu hái bắp nếp cung ứng cho bạn hàng.
Chúng tôi rất vui vì vụ này không chỉ được mùa mà lại còn được giá”. Nhổ xong đậu phụng vụ hè thu, gần cuối tháng 12.2013 ông Long tiến hành cải tạo 4 sào đất màu rồi mua hạt giống bắp nếp chất lượng cao về tỉa. Ông Long nói: “Vụ ni, bình quân một sào bắp tôi thu được 2.000 trái, mà trái nào trái nấy cũng to, dài và chắc hạt, nhìn sướng con mắt lắm.
Còn đông xuân năm ngoái, chuột cắn phá cây con và sâu xanh ăn lá, sâu xám, sâu đục thân, đục quả cũng hoành hành dữ dội. Đặc biệt, trong giai đoạn bắp đồng loạt trổ cờ và phun râu, trời mưa lạnh kéo dài làm cho quá trình thụ phấn gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến năng suất đạt thấp, mỗi sào chỉ được chừng 1.300 - 1.500 trái”.
Không chỉ được mùa, so với vụ đông xuân năm ngoái thì hiện nay giá thu mua bắp nếp tươi trên thị trường cũng tăng đáng kể. Ông Long cho biết, những ngày qua thương lái từ khắp nơi tìm về bãi biền Bạc Hà này để đặt mua bắp rồi chất lên những chiếc xe tải chở ra Hà Nội và các tỉnh phía bắc tiêu thụ. Nếu vụ trước một trái bắp chỉ bán với giá bình quân là 2.000 đồng thì bây giờ đã tăng lên 3.000 đồng.
Do nhu cầu lớn, sức mua mạnh nên hễ chất bắp lên xe là thương lái đưa đủ tiền chứ không có chuyện nợ nần dây dưa như các mùa trước. “Bán 4 sào bắp nếp, tôi thu được tổng cộng 24 triệu đồng, trong khi đó chi phí chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng. Chỉ mất 70 ngày bám ruộng chăm sóc bắp mà cầm về 21 triệu đồng tiền lãi thì còn gì mừng hơn” - ông Long nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhờ Nhà nước đầu tư kéo hệ thống điện ra tận đồng, rồi nông dân tự bỏ tiền khoan giếng và lắp đặt đường ống dẫn nước ngay trên các chân ruộng nên 5 năm trở lại đây bãi biền Bạc Hà này luôn chủ động nguồn nước tưới.
Do vậy, vụ nào sản xuất rau màu, cây trồng cạn của nhà nông cũng diễn ra rất thuận lợi. Vụ đông xuân 2013 - 2014 này, người dân ở thôn Khúc Lũy gieo trồng 400 sào bắp nếp H88 trên biền Bạc Hà. Bắp được mùa, được giá, ước tính với số diện tích vừa nêu nông dân có thể thu về không dưới 2 tỷ đồng tiền lãi.
Đâu chỉ người dân ở thôn Khúc Lũy, hàng nghìn hộ dân khác trên địa bàn tỉnh cũng rất phấn khởi bởi bắp được mùa. Ông Phan Quang Dũng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN&PTNT) cho biết, vụ đông xuân này nông dân Quảng Nam sản xuất 6.000ha bắp các loại, trong đó bắp nếp chiếm khoảng 40% diện tích, tập trung chủ yếu ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An.
Ông Dũng nói: “Nhờ năng suất đạt khá cao, giá thu mua lại tăng mạnh nên nhà nông rất mừng. Nguồn thu nhập từ bắp nếp sẽ giúp họ trút bớt một phần gánh lo cơm áo gạo tiền”.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn đọc ở nước ngoài như: New Zeland, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Mỹ… cho biết ở bên đó thanh long Việt Nam bán giá 5 – 6 USD/quả bằng nắm tay, đắt quá, thèm mà chẳng dám ăn. Mong Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, để nông dân đỡ khổ.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn đánh giá của Hiệp hội thịt và vật nuôi Australia (MLA) cho biết kể từ năm tài chính 2011-2012, xuất khẩu gia súc sống từ Australia sang Việt Nam đã tăng gần 90 lần.

Hiện nay, trên các trà lúa mùa của huyện đang xuất hiện bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn và ốc bươu vàng gây hại với tổng diện tích gần 340 ha, trong đó, hơn 60 ha bị ốc bươu vàng gây hại với mật độ hơn 20 con/m2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang chỉ đạo nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng để phát hiện các loại sâu bệnh, phòng trừ kịp thời.

Ngày 16-8, Hiệp hội An toàn thực phẩm và an ninh lương thực Châu Á (AFSSA), cùng với Hiệp hội An toàn thực phẩm Nhật Bản đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tổ chức Hội nghị quốc tế về an toàn thực phẩm và an ninh lương thực lần 2 tại Đồng Nai.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa phối hợp với UBND huyện Tân Hồng tổ chức triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn; thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn huyện.