Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Được Giá, Người Nuôi Yên Tâm Sản Xuất

Được Giá, Người Nuôi Yên Tâm Sản Xuất
Ngày đăng: 16/09/2013

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.

Vụ nuôi 2012-2013, xã Nhơn Hải có 78 hộ nuôi tôm hùm thương phẩm với 40.230 con, đến thời điểm này đã xuất bán trên 70%. Theo bà con nuôi tôm hùm ở địa phương, hiện tại, giá tôm hùm loại I là 1,6 triệu đồng/kg, loại II là 1,5 triệu đồng/kg và loại III khoảng 1,4 triệu đồng/kg. Ông Dương Văn Đức, ở thôn Hải Đông, cho biết: “Vụ vừa rồi gia đình tôi nuôi 2.400 con, hao hụt gần 40%, chỉ xuất bán chưa đầy 1.500 con. Dù giá tôm thịt tăng cao nhưng giá tôm giống cũng cao, lại hao hụt nhiều, tôi còn lãi khoảng 150 triệu đồng”.

Ông Phạm Thành Thệ, ở thôn Hải Nam, nuôi hơn 6.000 con tôm hùm giống, đến thời điểm này đã xuất bán trên 80%, thu lãi 290 triệu đồng. Ông Thệ bộc bạch: “Làm nghề nuôi tôm hùm lúc nào cũng lo thời tiết không thuận, rồi dịch bệnh tôm, công chăm sóc vất vả đủ bề. Năm nay nhờ giá bán tăng nên cũng bù trừ cho giá mua tôm giống và thức ăn nuôi tôm”.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải: Tôm hùm nuôi bị dịch bệnh dẫn đến hao hụt nhiều là do ô nhiễm nguồn nước, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi còn thấp. Tôm bị bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, hiện 35-40.000 đồng/kg; một con tôm hùm từ khi nuôi đến khi xuất bán phải mất từ 500-700 ngàn đồng tiền thức ăn.

Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, số lượng tôm nuôi năm nay giảm, người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhưng tôm được giá, có lãi khá nên bà con yên tâm tiếp tục thả nuôi vụ mới. Hiện tại, số lượng tôm mới thả nuôi phát triển tốt, dịch bệnh chưa xảy ra. Tuy nhiên, người nuôi tôm cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan.

Được biết, vụ nuôi tôm 2012-2013, người nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải đã xuất bán gần 12 tấn tôm thương phẩm cho các thương lái đến từ Phú Yên, Khánh Hòa…, thu về gần 18 tỉ đồng. Hiện đã có 49 hộ đầu tư trên 11 tỉ đồng tiếp tục thả nuôi 40.600 con tôm hùm giống, với 32 bè nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba

Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

16/11/2013
Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

16/11/2013
Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê

Năm 2013, các đơn vị gồm Công ty Hồng Huế, Công ty Hoàng Vinh cùng tọa lạc ở TP.HCM và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu thực hiện bao tiêu sản lượng 74ha đậu bắp với giá 7.000 đồng/kg (loại 1) và 25ha dưa lê với giá 9.500 đồng/kg của nông dân xã Tân Hòa (gần 14ha dưa lê của nông dân ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

16/11/2013
240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng” 240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng”

Thành lập vào năm 2007, tới nay Bệnh viện cây trồng đã mở 6 lớp đào tạo kỹ năng “Bác sĩ cây trồng” với 240 lượt người tham gia.

16/11/2013
Áp Dụng Hiệu Quả Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm Áp Dụng Hiệu Quả Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm

Hiện nay, toàn xã đã có 81 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, với diện tích khoảng 16,8 ha. Ông Nguyễn Khắc Phòng (thôn Thái An), hướng dẫn chúng tôi ra thăm vườn nho của gia đình - một trong những hộ đầu tiên sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, cho biết: Với 1 ha nho, bình thường phải mất nhiều ngày để tưới, nhưng với hệ thống tưới nước tiết kiệm chỉ cần gần 2 tiếng đồng hồ, vườn nho đã được tưới đầy đủ. Vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, vừa giúp cây nho phát triển tốt và cho năng suất cao hơn.

16/11/2013