Đừng Vội Chặt Bỏ Cây Điều

Trong khi nhiều nông dân trồng điều trên địa bàn huyện Hàm Tân (Bình Thuận) lao đao bởi cây điều liên tục mất mùa, rớt giá trong nhiều năm qua, thì vườn điều của gia đình anh Phạm Hùng Dũng ở thôn Đông Hòa, xã Tân Hà lại đạt hiệu quả kinh tế cao, cụ thể là mùa điều năm nay.
Tuy điều mới bắt đầu vào vụ khoảng 10 ngày, nhưng vườn điều rộng 11 ha của anh đã thu hoạch được hơn 4 tấn hạt. Những ngày này, trái điều chín cây rụng đầy dưới gốc, hàng chục công nhân tất bật với công việc thu lượm hạt nhưng không xuể.
Anh Dũng cho biết: Để trái tự rụng cho hạt già, khỏi phải dùng khèo nèo rung, hái làm ảnh hưởng đến trái non, bông điều đang lớn. Ước tính thu hoạch cả vụ toàn vườn sẽ đạt khoảng 30 tấn. Trung bình năng suất trên 2,5 tấn/ha. Với giá bán 29 ngàn đồng/kg, anh thu nhập hơn 800 triệu đồng trong vụ điều năm nay.
Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để cây điều đạt năng suất cao thì giai đoạn quan trọng nhất là khi cây ra bông. Trong giai đoạn này, luôn chú trọng khâu phun thuốc ngừa bệnh, bổ sung thêm các loại phân để cung cấp thêm vi lượng cho cây. Nhờ đó, cây sẽ phát triển tốt, tỷ lệ đậu trái cao.
Ngoài ra, nông dân còn phải thường xuyên tỉa cành tạo tán cho vườn điều. Việc thường xuyên tỉa cành tạo tán không những hạn chế sâu bệnh, dễ thu hoạch mà còn loại bỏ những cành phụ, ít hiệu quả. Từ đó, cây có sức để nuôi những cành chính nhiều trái, vì vậy sẽ nâng cao được năng suất của cây.
Ở Hàm Tân, hàng chục năm qua cây điều vốn là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả, rồi dần là nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nên không ít hộ trồng điều và cơ sở chế biến vươn lên khá giả. Nhưng rồi trong mấy năm qua do cây già cỗi, có năm mất giá, nhiều bà con vội chặt bỏ để trồng các loại cây khác.
Tuy nhiên, khó có giống cây trồng chịu hạn nào đứng vững trên vùng đất cát pha bạc màu Hàm Tân bằng cây điều. Trước mô hình chăm sóc của anh Phạm Hùng Dũng cho thấy, từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 4 năm, vì vậy, nông dân đừng vội bỏ vườn điều chưa có hiệu quả mà hãy thử đầu tư, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để thâm canh vườn điều để tiếp tục thu lợi ổn định từ cây trồng này.
Có thể bạn quan tâm

Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.

Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho các giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.

Cùng với nhiều sản vật đặc trưng khác, cam sành Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo thu nhập cho người dân. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh đạt 5.000 ha.

Trồng rau vụ Đông không còn là khái niệm mới ở xã Sảng Tủng, theo cán bộ khuyến nông xã, Hầu Mí Co cho biết: Qua mấy năm trồng rau vụ Đông cho thu nhập khá, bà con trong xã đã nhận thức được giá trị của cây rau vụ Đông nên ngày càng nhiều hộ tham gia trồng rau.