Dùng Màng Phủ Trong Trồng Màu

Từ gần 10 năm nay, gia đình anh Hoàng Văn Sinh ở thôn Đè E, xã Lê Lợi, Hoành Bồ (Quảng Ninh) được nhiều người biết đến như một điểm sáng đi đầu trong việc đưa các giống cây nông sản mới về trồng và phát triển trên địa bàn huyện.
Đầu tiên là giống cây dưa hấu và bây giờ là các loại giống dưa lê, cà chua năng suất cao. Chị Phạm Thị Thoả, vợ anh Sinh cho biết: “Tôi quê gốc ở Gia Lộc, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Mấy đời nhà làm nông nghiệp nên thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của nhà nông. Nhưng bù lại, vợ chồng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trồng cấy. Muốn đạt năng suất thì phải thường xuyên chuyển đổi giống cây trồng/diện tích đất.
Vì thế, vợ chồng tôi hay tìm kiếm các loại giống cây trồng mới đem về trồng trên địa bàn huyện”. Không chỉ vậy, vợ chồng chị còn học được cách phủ bạt Plastic lên diện tích đất để trồng các loại cây màu cho năng suất cao.
Theo chị Thoả, trước khi phủ bạt Plastic lên phần đất trồng cần phải làm đất, cải tạo, cày, bừa đất thật kỹ; rồi kéo luống, lên luống, bón phân chuồng cùng với phân vi sinh kết hợp. Khi hoàn tất công đoạn này sẽ phủ bạt Plastic, rồi chọc lỗ vừa đủ trồng cây.
Phương pháp trồng cây màu bằng màng phủ Plastic đã được nông dân ở nhiều tỉnh nông nghiệp triển khai. Tuy nhiên, ở Hoành Bồ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung lại chưa có nhiều người áp dụng.
Theo phân tích của các nhà khoa học và từ thực tế của gia đình chị Thoả kiểm chứng, bạt Plastic có 2 mặt, một màu trắng bạc ở phía trên mặt đất phản chiếu ánh sáng mặt trời, tạo điều kiện cho cây trồng nhận được nhiều ánh sáng hơn, nhất là trong vụ đông xuân thường thiếu ánh sáng, trời ít nắng, giúp cây quang hợp tốt hơn.
Mặt khác, nhờ tính phản quang này mà không làm cho nhiệt độ đất tăng thêm trong các tháng mùa nóng do đó không ảnh hưởng đến vùng rễ và cây trồng. Màu đen ở phía dưới che phủ toàn bộ rễ trong bóng tối giúp cho rễ phát triển tốt hơn. Về mùa đông, do nhiệt độ thấp nên màng phủ còn có tác dụng giữ nhiệt cho đất. Mặt luống được phủ kín bằng bạt Plastíc sẽ hạn chế được phát sinh, phát triển của cỏ dại, giảm được nhiều chi phí do không phải làm cỏ, không phải xới xáo.
Màng phủ nông nghiệp có tác dụng hạn chế được sự bốc hơi nước trong đất, luôn giữ cho đất ẩm, tiết kiệm được lượng nước tưới. Nhờ có phủ bạt Plastíc mà chống được hiện tượng rửa trôi phân bón, chống được xói mòn nên tiết kiệm được phân bón, cây hấp thụ được lượng dinh dưỡng tối đa, do đó hiệu quả hơn trồng bằng các phương pháp thông thường. Một ưu điểm nữa rất quan trọng của việc phủ bạt Plastíc là hạn chế được sự xâm nhập của các loại sâu, bệnh trực tiếp từ mặt đất.
Nếu không có màng phủ nông nghiệp các bào tử nấm, vi khuẩn, ấu trùng và trứng của các loại côn trùng có thể theo nước mưa hoặc nước tưới bắn lên và bám vào thân, lá cây để gây hại. Chị Thoả nói: “Tuy vốn đầu tư mua bạt nilon hơi đắt một chút nhưng một lần mua bạt có thể tận dụng để sử dụng được trong 3 vụ liên tiếp. Hơn nữa, gia đình tôi cũng giảm được rất nhiều chi phí làm cỏ, chăm tưới”.
Từ những kinh nghiệm có được, năm 1990, vợ chồng anh Sinh là hộ đầu tiên đưa giống dưa hấu về trồng ở huyện Hoành Bồ. Liên tục, 5 vụ liên tiếp sau đó, vợ chồng anh trúng lớn. Dưa không chỉ cho năng suất cao mà còn bán rất được giá vì phương pháp trồng dưa của gia đình anh chị hoàn toàn không sử dụng các loại hoá chất.
Sau dưa hấu, hiện nay vợ chồng anh Sinh cũng đang rất thành công với việc trồng dưa lê. Kinh nghiệm của gia đình anh Sinh hoàn toàn có thể được áp dụng, nhân rộng đối với các hộ gia đình nhỏ lẻ hoặc các trang trại, gia trại lớn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 24.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, xây dựng đề án khuyến công cho hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách công tác khuyến công và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Cao Văn Tâm quyết chí phải làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của ông cha. Hằng ngày, ông tìm đọc sách báo, xem truyền hình để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được truyền thông giới thiệu. Sau một thời gian tìm tòi, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền tích góp xây dựng chuồng trại nuôi gà, kết hợp với chăn nuôi gia súc và trồng rừng.

Với 100 triệu đồng nguồn vốn tài trợ từ tỉnh Đông Flander (Vương quốc Bỉ), Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt đã trồng, chăm sóc thực nghiệm giống dâu tây Mỹ Thơm và giống dâu tây Newzealand trên diện tích 100m2 nhà lưới hở.

Diện tích trồng thanh long tại tỉnh Long An đã tăng hơn 3 lần trong vòng 2 năm qua. Diện tích tăng quá nhanh khi nhu cầu tiêu thụ loại trái cây đặc sản này chưa mở rộng tương ứng đã dẫn đến nguy cơ thua lỗ do cung vượt cầu.

BT- Sau chương trình “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển”, Ngân hàng TMCP Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) đang chuẩn bị triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay đóng tàu vỏ sắt, nhằm tăng cường khả năng bám biển. Bình Thuận, nơi có ngư trường lớn và hiện có 7.523 tàu với tổng công suất 773.729 cv thì đây là một cơ hội tốt để ngư dân tiếp cận nguồn vốn rẻ, tiếp tục nâng công suất tàu thuyền đánh bắt.