Đụng Lợn Sạch Ăn Tết

Để phòng ngừa thực phẩm không an toàn, nhiều gia đình ở thôn quê nuôi lợn ăn Tết thay vì mua ở chợ như hằng ngày. Gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) 3 năm nay đều nuôi lợn thịt chia cho anh em trong nhà ngày Tết. Anh Thịnh chia sẻ: "Ngoài thịt lợn vào ngày Tết, thi thoảng tôi cùng một số nhà hàng xóm, anh em trong gia đình cũng mổ lợn do chính mình nuôi bảo quản bằng tủ lạnh ăn dần”.
Ông Hoàng Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết: "Nhà nhà nuôi lợn đón Tết đã trở thành phong trào trong toàn xã. Không nuôi vì mục đích kinh tế, chỉ mong cái Tết thêm an toàn, đầm ấm, vui vẻ. Mấy năm trở lại đây, tục ăn đụng thịt lợn trên địa bàn trở lại như Tết xưa”.
Ngoài Hợp Thịnh, được biết dịp này khắp các vùng quê trong tỉnh nhiều nhà đang vỗ lợn chờ Tết để ăn đụng. Ông Nguyễn Văn Nước, thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) cho biết: "Tôi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, các con đều đi làm ăn xa nên nuôi con lợn để thịt, Tết đến con cháu quây quần. Từ tháng Hai, tôi tìm mua lợn con giống siêu nạc, nuôi bằng thức ăn sẵn có trong vườn. Giáp Tết lại gọi con cháu về mổ lợn rồi chia cho mỗi đứa một ít”.
Việc chuẩn bị lợn ăn Tết khá chu đáo. Vài gia đình trong thôn cùng nhau mua một con lợn để nuôi. Có nhà chọn mua lợn nuôi từ đầu năm đến cuối năm mới thịt. Có hộ thì cách Tết chừng 3-4 tháng, mua một con lợn khoảng 30 cân cho nhanh. Thức ăn cho lợn chỉ là rau xanh, củ, quả do nhà trồng được, cơm canh thừa, cám gạo, ngô, bột sắn và không sử dụng bất cứ loại thức ăn tăng trọng hay kháng sinh nào. Trước khi giết mổ hai tuần, cho lợn ăn nhiều thân cây chuối. Những người có kinh nghiệm cho biết làm như vậy ruột lợn sẽ sạch, khi chế biến món lòng mới giòn, trắng, thơm ngon.
Ngoài hộ dân, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã nhạy bén nắm bắt tâm lý người tiêu dùng chủ động liên kết với trang trại chăn nuôi để có sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Thực tế cho thấy, các điểm bán sản phẩm sạch tiêu thụ thuận lợi.
Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Vì vậy, các trang trại, người dân trong tỉnh cần quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn để không chỉ có sản phẩm sạch cung ứng trong ngày Tết mà cả trong bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình. Đây được coi là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá”.
Có thể bạn quan tâm

Được sở hữu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đủ sức tạo thương hiệu trên thị trường là mơ ước từ lâu của người nông dân Hà Tĩnh. Với vai trò là “bà đỡ” trong việc xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm lúa.

Nhằm tìm kiếm giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu để thay thế, bổ sung vào bộ giống lúa đang gieo cấy trên địa bàn Thị xã.

“Phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa” là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp được Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Sở NNPTNT Lào Cai tổ chức sáng 9.9

Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng tỉnh Phú Yên đã tổ chức hội thảo mô hình SX giống lúa cấp siêu nguyên chủng vụ HT 2015.

Để giúp người nuôi bò gia tăng giá trị kinh tế, tránh rủi ro, tỉnh Bến Tre đã triển khai “Tái cơ cấu nghề chăn nuôi bò” từ nay đến năm 2019 bằng dự án phát triển đàn bò sữa trên nền giống lai Sind.