Đụng Lợn Sạch Ăn Tết

Để phòng ngừa thực phẩm không an toàn, nhiều gia đình ở thôn quê nuôi lợn ăn Tết thay vì mua ở chợ như hằng ngày. Gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) 3 năm nay đều nuôi lợn thịt chia cho anh em trong nhà ngày Tết. Anh Thịnh chia sẻ: "Ngoài thịt lợn vào ngày Tết, thi thoảng tôi cùng một số nhà hàng xóm, anh em trong gia đình cũng mổ lợn do chính mình nuôi bảo quản bằng tủ lạnh ăn dần”.
Ông Hoàng Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết: "Nhà nhà nuôi lợn đón Tết đã trở thành phong trào trong toàn xã. Không nuôi vì mục đích kinh tế, chỉ mong cái Tết thêm an toàn, đầm ấm, vui vẻ. Mấy năm trở lại đây, tục ăn đụng thịt lợn trên địa bàn trở lại như Tết xưa”.
Ngoài Hợp Thịnh, được biết dịp này khắp các vùng quê trong tỉnh nhiều nhà đang vỗ lợn chờ Tết để ăn đụng. Ông Nguyễn Văn Nước, thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) cho biết: "Tôi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, các con đều đi làm ăn xa nên nuôi con lợn để thịt, Tết đến con cháu quây quần. Từ tháng Hai, tôi tìm mua lợn con giống siêu nạc, nuôi bằng thức ăn sẵn có trong vườn. Giáp Tết lại gọi con cháu về mổ lợn rồi chia cho mỗi đứa một ít”.
Việc chuẩn bị lợn ăn Tết khá chu đáo. Vài gia đình trong thôn cùng nhau mua một con lợn để nuôi. Có nhà chọn mua lợn nuôi từ đầu năm đến cuối năm mới thịt. Có hộ thì cách Tết chừng 3-4 tháng, mua một con lợn khoảng 30 cân cho nhanh. Thức ăn cho lợn chỉ là rau xanh, củ, quả do nhà trồng được, cơm canh thừa, cám gạo, ngô, bột sắn và không sử dụng bất cứ loại thức ăn tăng trọng hay kháng sinh nào. Trước khi giết mổ hai tuần, cho lợn ăn nhiều thân cây chuối. Những người có kinh nghiệm cho biết làm như vậy ruột lợn sẽ sạch, khi chế biến món lòng mới giòn, trắng, thơm ngon.
Ngoài hộ dân, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã nhạy bén nắm bắt tâm lý người tiêu dùng chủ động liên kết với trang trại chăn nuôi để có sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Thực tế cho thấy, các điểm bán sản phẩm sạch tiêu thụ thuận lợi.
Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Vì vậy, các trang trại, người dân trong tỉnh cần quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn để không chỉ có sản phẩm sạch cung ứng trong ngày Tết mà cả trong bữa ăn hằng ngày của mọi gia đình. Đây được coi là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá”.
Có thể bạn quan tâm

An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.

Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...

Tuy tiềm lực không thể so sánh với các Cty có vốn ngoại, nhưng một số Cty chăn nuôi có vốn nội cũng đã và đang mạnh dạn phát triển theo hướng trở thành một Cty thực phẩm, khép kín từ đầu vào, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Một ví dụ điển hình là Cty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood).

Với 20 xã nông thôn, đến hết tháng 10, bình quân tiêu chí của huyện đã đạt 13,7 tiêu chí/xã, tăng 8,9 tiêu chí/xã so với năm 2011. Đây là mức tăng mạnh không chỉ với Thái Nguyên mà còn với nhiều địa phương khác của các tỉnh trung miền núi phía Bắc (bình quân tiêu chí của các địa phương trong vùng chỉ tăng từ 5-6 tiêu chí).