Đừng để nông thôn mất bản sắc

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển phù hợp với sự nghiệp CNH, HĐH.
Đây cũng là tiền đề để cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân trong thời kỳ phát triển mới của đất nước một cách bền vững.
Trong quá trình triển khai thực hiện, bằng nỗ lực của mình, một số địa phương đã sớm hoàn thành các tiêu chí để có nhiều xã, thôn trở thành “nông thôn mới”. Đây là điều rất mừng.
Bởi vì, dù đã có nhiều đổi thay trong sau gần 30 năm đổi mới, từ một nước thiếu lương thực, giờ đây chúng ta đứng vào hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản, nhưng nền nông nghiệp của nước ta vẫn chậm phát triển so với Thái Lan và nhiều nước trong khu vực.
Đời sống người nông dân vẫn còn rất vất vả.
Hiện tượng ly nông, ly hương đã và đang có xu hướng ngày một tăng. Điều kiện sống của nông dân nhiều nơi còn rất thiếu thốn. Môi trường sống bị ô nhiễm vì rác thải, chất thải, chất độc trong quá trình sản xuất.
Hầu hết nông thôn chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt.
Các làng nghề đẩy mạnh sản xuất nhưng lại không quan tâm đến xử lý chất thải, nước thải. Việc thu gom, phân loại, tiêu hủy, chôn lấp rác thải chưa trở thành bắt buộc trong điều hành của chính quyền các cấp ở nông thôn và trong ý thức của người nông dân.
Ngay cả các làng, xã được gọi là hoàn thành tiêu chí nông thôn mới với hệ thống đường làng khang trang, cánh đồng mẫu lớn, có trụ sở ủy ban, nhà văn hóa to đẹp, hoành tráng… nhưng không khó để bắt gặp những bãi rác thải của dân, những ao nước tù đọng, đen ngòm.
Nhiều nơi có dòng sông chảy qua cũng bị ô nhiễm bởi nước thải không qua xử lý từ các cơ sở sản xuất đổ ra.
Tất cả những điều đó dẫn đến làm suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống. Việc xây dựng nhà ở nông thôn cũng còn rất nhiều bất cập. Hầu như vai trò của kiến trúc sư không tồn tại ở các vùng quê, mà lại là các hiệp thợ.
Phải nói rằng, khoảng hai mươi năm trở lại đây, nhà ở nông dân đặc biệt là vùng đồng bằng, trung du được cải thiện rất nhiều.
Có những nơi nhà xây dày đặc hai bên đường làng với đủ loại kiến trúc khác nhau, được người nông dân sao chép ở chỗ này chỗ kia trên phố huyện.
Những khuôn viên truyền thống với nhà ở - vườn cây - ao cá dần biến mất, thay vào đó là nhà ở kiểu chia lô thường thấy nơi đô thị. Màu xanh của vườn tược, cây cối, mặt nước đang dần giảm đi.
Đấy là điều rất đáng lo ngại. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu không có những biện pháp cụ thể và hiệu quả thì nông thôn sẽ dần bị đô thị hóa, không còn giữ được bản sắc riêng vốn đã tồn tại và phát triển qua biết bao thế hệ.
Xây dựng nông thôn mới là để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, nhưng cũng cần quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn, mà trong đó mô hình ở sinh thái với “ngôi nhà - vườn, ao - chuồng trại” rất cần được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với điều kiện phát triển mới.
Có thể bạn quan tâm

Là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp với trình độ thâm canh cao, hằng năm sản xuất một sản lượng lớn lương thực, rau quả và sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, nông sản tỉnh ta đã được tiêu thụ ở các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những ngày này công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đây là một biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, bảo vệ chăn nuôi.

Tôi gặp Phạm Năng Thành lần đầu khi anh là 1 trong 5 nông dân của tỉnh Hưng Yên về Hà Nội dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV (tháng 5.2012). “Trong 2 năm đó, vợ chồng em nâng diện tích trồng chuối từ 10ha lên gần 20ha; xây căn biệt thự khang trang và sắm xe hơi...” - Thành chia sẻ trong lần gặp lại tôi mới đây.

Hiện nay, ở khu vực duyên hải miền Trung chưa có tỉnh nào trồng cây Mắc ca. Song, huyện Sơn Tây đã mạnh dạn đưa cây này trồng trên diện tích 6 ha với tổng kinh phí đầu tư gần 1,3 tỷ đồng ở 3 địa phương: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long trong tháng 9 này.

Sự ra đời của Nghị định số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ không chỉ làm nức lòng bà con ngư dân, mà đây thật sự là cú huých để ngành thủy sản phát triển. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn còn băn khoăn liệu mình có nằm trong diện được tiếp cận nguồn vốn này.