Đức Phổ (Quảng Ngãi) Bất An Với Nạn Phá Lồng Bè Nuôi Cá

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên đầm nước mặn Sa Huỳnh lo lắng vì kẻ gian cắt lồng bè nuôi cá của một số hộ nuôi gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ông Nguyễn Cường rải thức ăn thì không thấy cá tranh ăn như thường ngày. Ông kiểm tra và phát hiện 2 chiếc lồng nuôi 220 con cá mú và 130 con cá hồng sắp đến ngày xuất bán bị cắt đứt lưới. Cá theo chỗ thủng thoát hết ra ngoài gây thiệt hại hơn 78 triệu đồng.
Hơn 1 năm trước, chiếc tàu cá QNg – 94058TS với công suất 125CV của ông Cường bị chìm trên vùng biển Sa Huỳnh. Ông bán luôn phần vốn trên chiếc tàu còn lại mua tre và lưới đóng 5 chiếc lồng bè với diện tích gần 30m2 trên đầm thả nuôi khoảng 1.100 cá hồng, mú, dìa, dò. Sau Tết, ông xuất bán 50 con cá hồng và cá mú lứa đầu tiên với trọng lượng 1 – 1,2kg/con được 12 triệu đồng.
Còn lại khoảng 350 con chưa kịp xuất bán thì bị cắt lưới, cá thoát ra đầm nước mênh mông. “Mỗi ngày tôi mất khoảng 150.000 đồng tiền mua thức ăn cho cá. Sau gần cả năm chăm sóc, sắp đến ngày xuất bán giờ lại bị như thế. Vợ chồng tôi lo sợ vì còn khoảng 700 con trong 3 lồng kế bên, tiếp tục bị kẻ gian cắt lưới”, ông Cường than thở.
Trước đó, đêm mùng 6 Tết, kẻ gian đã kéo lưới bắt sạch gần 100 con cá hồng nặng khoảng 0,7kg/con của ông Nguyễn Tiến. Sau đó, lồng bè kế tiếp của ông cũng đã bị cắt lưới làm cho hơn 50 con cá hồng, cá mú nặng khoảng 0,5kg/con thoát ra ngoài đầm. Ước tính thiệt hại hơn 20 triệu đồng. “Thấy nhiều người nuôi cá thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng nên vợ chồng tôi dành dụm và vay mượn 40 triệu đồng đóng 4 lồng bè với diện tích 36m2 để nuôi cá.
Thế nhưng, họ cứ lén mở lồng câu trộm. Và giờ thì họ kéo lưới bắt sạch, lại cắt lưới cho cá thoát ra đầm. Cứ đến đêm là vợ chồng tôi lại gồng mình chịu rét lạnh mang chăn màn ra ngủ tại lều để trông cá, kẻo kẻ gian lại phá tiếp. Ráng trông coi đến ngày xuất bán 150 con ở 2 lồng còn lại là vợ chồng tôi chuyển sang nuôi hàu chứ không dám nuôi cá nữa” – bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Tiến, cho biết.
Ông Phạm Văn Hai – Trưởng Ban công an xã Phổ Thạnh cho biết: Trên đầm nước mặn Sa Huỳnh có hơn 20 hộ dân đầu tư đóng lồng bè nuôi thủy sản. Nhiều hộ có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng kẻ gian bắt trộm cá, cắt lưới làm cho cá thoát ra đầm khiến nhiều hộ nuôi lo lắng. Công an xã đã báo Công an huyện và đang tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm.
Ông Nguyễn Thành Lưu – Phó Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết: Trạm đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông– khuyến ngư Quảng Ngãi tổ chức trình diễn mô hình nuôi hàu, cá hồng, cá bớp trên đầm. Nhờ môi trường nước phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật nên thủy sản phát triển khá tốt. Mỗi hộ nuôi có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng sau 8 tháng thả nuôi.
Tuy nhiên, Trạm cũng đã khuyến cáo người dân không nên thả nuôi ồ ạt sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, làm chết thủy sản. Do một số hộ nuôi có khoảng thu nhập cao, nên nhiều hộ dân tự phát đóng lồng bè thả nuôi hải sản. Tình trạng này dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau giữa một số hộ nuôi.
Đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm có quy hoạch khu vực thả nuôi và phương pháp xử lý môi trường, ngăn chặn tình trạng cắt phá lồng bè để người dân yên tâm phát triển nghề nuôi cá lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Được sự giới thiệu của một số người bạn và sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con nông dân thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, chúng tôi dễ dàng tìm đến được mô hình trồng măng tây xanh của chị Phan Thị Điệu, một xã viên Hợp tác xã Phú Thái.

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 chỉ đạt gần 16.540 tấn với kim ngạch gần 43,3 triệu USD, giảm gần 250 tấn so với tháng 3-2015. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015 thì Đồng Nai xuất khẩu được hơn 66 ngàn tấn với tổng giá trị 154,3 triệu USD, đạt hơn 70% về lượng và trên 80% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Vài năm gần đây trên địa bàn huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng, nhiều hộ dân đã trồng loại cà tím giống mới của Thái-lan và Nhật Bản thay thế cho giống cà tím ruột trắng của địa phương, mang lại sản lượng và chất lượng cao hơn hẳn.

Một công ty Mỹ đang khởi công xây dựng nông trại lớn nhất thế giới rộng gần 7.000 m2, trồng rau sạch bằng công nghệ khí canh, ước tính cung cấp hơn 900 tấn rau mỗi năm cho người dân thành phố Newark, bang New Jersey

Có tấm bằng đại học trong tay, thay vì ra thành thị xin việc như bao cử nhân khác, chàng trai Phạm Hoàng Lộc, 31 tuổi ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại quyết định về quê thuê đất trồng cam sành. Nhờ chăm chỉ và nắm bắt được kỹ thuật nên mỗi năm anh có nguồn thu nhập hàng tỉ đồng.