Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đức Phổ (Quảng Ngãi) Bất An Với Nạn Phá Lồng Bè Nuôi Cá

Đức Phổ (Quảng Ngãi) Bất An Với Nạn Phá Lồng Bè Nuôi Cá
Ngày đăng: 20/03/2014

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên đầm nước mặn Sa Huỳnh lo lắng vì kẻ gian cắt lồng bè nuôi cá của một số hộ nuôi gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ông Nguyễn Cường rải thức ăn thì không thấy cá tranh ăn như thường ngày. Ông kiểm tra và phát hiện 2 chiếc lồng nuôi 220 con cá mú và 130 con cá hồng sắp đến ngày xuất bán bị cắt đứt lưới. Cá theo chỗ thủng thoát hết ra ngoài gây thiệt hại hơn 78 triệu đồng.

Hơn 1 năm trước, chiếc tàu cá QNg – 94058TS với công suất 125CV của ông Cường bị chìm trên vùng biển Sa Huỳnh. Ông bán luôn phần vốn trên chiếc tàu còn lại mua tre và lưới đóng 5 chiếc lồng bè với diện tích gần 30m2 trên đầm thả nuôi khoảng 1.100 cá hồng, mú, dìa, dò. Sau Tết, ông xuất bán 50 con cá hồng và cá mú lứa đầu tiên với trọng lượng 1 – 1,2kg/con được 12 triệu đồng.

Còn lại khoảng 350 con chưa kịp xuất bán thì bị cắt lưới, cá thoát ra đầm nước mênh mông. “Mỗi ngày tôi mất khoảng 150.000 đồng tiền mua thức ăn cho cá. Sau gần cả năm chăm sóc, sắp đến ngày xuất bán giờ lại bị như thế. Vợ chồng tôi lo sợ vì còn khoảng 700 con trong 3 lồng kế bên, tiếp tục bị kẻ gian cắt lưới”, ông Cường than thở.

Trước đó, đêm mùng 6 Tết, kẻ gian đã kéo lưới bắt sạch gần 100 con cá hồng nặng khoảng 0,7kg/con của ông Nguyễn Tiến. Sau đó, lồng bè kế tiếp của ông cũng đã bị cắt lưới làm cho hơn 50 con cá hồng, cá mú nặng khoảng 0,5kg/con thoát ra ngoài đầm. Ước tính thiệt hại hơn 20 triệu đồng. “Thấy nhiều người nuôi cá thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng nên vợ chồng tôi dành dụm và vay mượn 40 triệu đồng đóng 4 lồng bè với diện tích 36m2 để nuôi cá.

Thế nhưng, họ cứ lén mở lồng câu trộm. Và giờ thì họ kéo lưới bắt sạch, lại cắt lưới cho cá thoát ra đầm. Cứ đến đêm là vợ chồng tôi lại gồng mình chịu rét lạnh mang chăn màn ra ngủ tại lều để trông cá, kẻo kẻ gian lại phá tiếp. Ráng trông coi đến ngày xuất bán 150 con ở 2 lồng còn lại là vợ chồng tôi chuyển sang nuôi hàu chứ không dám nuôi cá nữa” – bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Tiến, cho biết.

Ông Phạm Văn Hai – Trưởng Ban công an xã Phổ Thạnh cho biết: Trên đầm nước mặn Sa Huỳnh có hơn 20 hộ dân đầu tư đóng lồng bè nuôi thủy sản. Nhiều hộ có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng kẻ gian bắt trộm cá, cắt lưới làm cho cá thoát ra đầm khiến nhiều hộ nuôi lo lắng. Công an xã đã báo Công an huyện và đang tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm.

Ông Nguyễn Thành Lưu – Phó Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết: Trạm đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông– khuyến ngư Quảng Ngãi tổ chức trình diễn mô hình nuôi hàu, cá hồng, cá bớp trên đầm. Nhờ môi trường nước phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật nên thủy sản phát triển khá tốt. Mỗi hộ nuôi có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng sau 8 tháng thả nuôi.

Tuy nhiên, Trạm cũng đã khuyến cáo người dân không nên thả nuôi ồ ạt sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, làm chết thủy sản. Do một số hộ nuôi có khoảng thu nhập cao, nên nhiều hộ dân tự phát đóng lồng bè thả nuôi hải sản. Tình trạng này dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau giữa một số hộ nuôi.

Đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm có quy hoạch khu vực thả nuôi và phương pháp xử lý môi trường, ngăn chặn tình trạng cắt phá lồng bè để người dân yên tâm phát triển nghề nuôi cá lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Thẻ Chân Trắng Được Nuôi Ở Thành Phố Tôm Thẻ Chân Trắng Được Nuôi Ở Thành Phố

Đồng chí Đinh Xuân Bền, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên (Quảng Ninh), cho biết: Trước đây người dân chủ yếu nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở khu vực bãi triều và những ruộng cấy lúa kém hiệu quả.

27/06/2014
Xuất Khẩu Đường Qua Trung Quốc Bị Ách Tắc Xuất Khẩu Đường Qua Trung Quốc Bị Ách Tắc

Cụ thể, giá bán buôn đường (có thuế giá trị gia tăng) tại nhà máy đường trong tuần qua ở miền Bắc là 11.163 – 12.350 đồng/kg, miền Trung, Tây Nguyên là 12.100 – 12.385 đồng/kg, còn các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL dao động từ 11.700 – 12.150 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn giá đường tại thị trường nội địa Trung Quốc.

28/11/2014
Nông Dân Đắk Glong Mạnh Dạn Ứng Dụng Khoa Học, Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Nông Dân Đắk Glong Mạnh Dạn Ứng Dụng Khoa Học, Kỹ Thuật Vào Sản Xuất

Qua các lớp tập huấn, bà con được các chuyên gia cung cấp một số kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất cà phê. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là để biết được đất trồng có phù hợp với cây cà phê hay không thì cần phải mang đi xét nghiệm. Sau một thời gian, bà con được hướng dẫn cách bón phân dựa trên kết quả xét nghiệm đất như bổ sung phân chuồng, vi lượng... và phương pháp bón phân cũng rất khác so với làm thông thường.

28/11/2014
Thu Mua Nguyên Liệu Chế Biến Thuỷ Sản Doanh Nghiệp Thua Ngay Trên Thu Mua Nguyên Liệu Chế Biến Thuỷ Sản Doanh Nghiệp Thua Ngay Trên "Sân Nhà"

Với ngư trường rộng và thuận lợi, thêm vào đó là kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng hải sản lâu đời của người dân, Quảng Ninh là địa bàn có sản lượng thuỷ sản cao. Tuy nhiên, hiện nay không ít các đơn vị chế biến thuỷ sản trên địa bàn lại khó mua nguyên liệu ngay trên “sân nhà”. Việc này đã khiến cho hầu hết các đơn vị này chỉ hoạt động được hơn 40% công suất.

27/06/2014
Hài Hòa Lợi Ích Nông Dân - Doanh Nghiệp Hài Hòa Lợi Ích Nông Dân - Doanh Nghiệp

Điện Biên có ưu thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào cánh thương lái, tư nhân thu mua nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính vì vậy, vấn đề tìm “đầu ra” cho nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá” luôn là “bài toán” khó với nông dân Điện Biên.

28/11/2014