Dừa xiêm Bến Tre tụt giá, nhà vườn treo khô trên cây

Nhà vườn treo khô trên cây
Hiện giá dừa xiêm tươi loại 1 được nhiều nhà vườn Bến Tre bán ra ở mức 30.000-40.000 đồng một chục (12 trái), loại 2 hạ xuống còn 25.000 đồng một chục. Dừa loại 3 chỉ 20.000 đồng 12 trái. Theo nhiều nhà vườn, mức giá này chỉ bằng 1/3 so với mùa nắng.
Anh Sơn, một thương lái mua dừa xiêm Bến Tre, cho biết: “Mùa nắng, giá dừa tươi có lúc lên đến 120.000-140.000 đồng một chục. Nhưng thời gian dừa giữ giá cao lại không kéo dài được lâu”.
Với mức giá bình quân chỉ trên dưới 2.000 đồng một trái như hiện nay, nhiều nhà vườn Bến Tre chọn cách để dừa khô luôn trên cây, đỡ tốn phí thu hoạch. Một số vườn chặt dừa trồng cây khác mong mang lại hiệu quả kinh tế hơn.
Trong khi năng suất vào thời điểm cao nhất thì nhu cầu lại giảm nên giá dừa xiêm tại Bến Tre chỉ còn bằng 1/3 so với mùa nắng.
Theo ông Hồ Vĩnh Sang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre, dừa tươi chủ yếu là dừa xiêm, dùng để uống nước, thường giảm mạnh nhu cầu trong mùa mưa, trong khi sản lượng mùa này lại tăng. “Mỗi cây dừa xiêm cho năng suất trung bình 150 trái một năm, riêng mùa mưa lượng trái chiếm đến hơn 70%. Nhưng mùa này nhu cầu thấp nên giá dừa giảm liên tục thời gian qua”, ông Sang nói.
Không chỉ dừa tươi mà dừa khô (chủ yếu để chế biến phục vụ xuất khẩu) thời gian qua cũng giảm mạnh. Theo nhiều nhà vườn, giá dừa khô đang thấp hơn khoảng 30% so với đầu năm, ở mức 50.000-60.000 đồng/12 trái với dừa loại 1.Ông Sang cũng cho rằng, giá dừa tươi sẽ vẫn xu hướng giảm trong thời gian tới, thậm chí giảm sâu, do mùa mưa vẫn còn.
Lên TP HCM đội giá gấp 10 lần
Dù giá tại nhà vườn giảm mạnh, nhưng nhiều người dùng vẫn mua loại trái cây giải nhiệt này bằng với cao điểm mùa nắng nóng. Tại hầu hết các quán cà phê, nước giải khát ở TP HCM, giá dừa tươi ướp lạnh 15.000-20.000 đồng, ngang với một chục dừa nhà vườn bán ra. Có nơi thậm chí còn tăng lên 25.000-30.000 đồng một trái.
Chủ một vựa dừa tươi tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, cho biết, hiện giá dừa xiêm bán xô 8.000-9.000 đồng một trái, nếu lựa là 10.000 đồng. Tính ra, mỗi chục dừa (12 trái) tại đây trên 100.000 đồng.
Đến tay người dùng TP HCM, giá dừa tươi vẫn ngang với cao điểm nắng nóng.
Theo người bán này, dù giá mua tại vườn thấp, nhưng chi phí vận chuyển từ Bến Tre tới TP HCM cao nên không thể giảm được. Nếu muốn mua dừa rẻ thì tìm các xe đẩy và gánh hàng rong. Nhưng mua tại các điểm này chỉ có trái nhỏ và chất lượng theo kiểu hên xui.
Các tuyến đường tại TP HCM như quốc lộ 13 (Thủ Đức), Điện Biên Phủ (Bình Thạnh)... đang la liệt xe đẩy bán dừa tươi, với giá phổ biến 6.000-7.000 đồng một trái.
Với ưu điểm dễ vận chuyển, dừa tươi miền Tây cũng được bán khá phổ biến tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nhưng cũng tương tự như TP HCM, giá dừa chỉ rẻ khi bán ở lề đường; vào hàng quán, điểm bán trái cây thì vẫn cao chót vót.
Như web bán trái cây “shophoaqua.vn” tại Hà Nội, giá dừa xiêm rao bán 22.000 đồng một trái; tại Thế giới hoa quả sạch, dừa tươi rao là dừa xiêm Bến Tre bán đến 30.000 đồng một trái.
Có thể bạn quan tâm

Hàng năm toàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có 146 ha nuôi tôm, tập trung ở các xã Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Châu, Bình Thuận, Bình Dương,... trong những năm qua có một số vùng nuôi tôm đã nhiễm bệnh. Việc nuôi tôm gần đây gặp nhiều trở ngại do nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, tôm nuôi thường bị bệnh chết hàng loạt làm thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nuôi tôm.

Cá chình là đối tượng cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, được coi là hàng quý hiếm và đắt tiền. Giá thương phẩm tại thời điểm hiện nay là 300.000đ/kg (trên1kg/con), cao nhất so với các loại đối tượng cá nước ngọt khác

Mô hình nuôi cá kèo trong ao lót bạt của hộ ông Bùi Thành Công ở ấp Rạch Cỏ, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải- Trà Vinh được thực hiện trên diện tích 200m2.

Trồng lúa vụ Đông Xuân, sau đó xuống khoai mỡ, hoặc lúa Đông Xuân – khoai mỡ - tranh thủ vụ củ cải trắng là cơ cấu cây trồng được nông dân các ấp: Long Hòa 2, Long Hòa 1 và Long Phước của xã Long Mỹ, huyện Mang Thít xây dựng thực hiện hàng năm trên đất lúa

Từ ngày 18 – 24/1/2011, đoàn công tác của Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới của Hà Lan đã tìm hiểu thực tế tại Việt Nam.