Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đưa xã điểm nông thôn mới về đích

Đưa xã điểm nông thôn mới về đích
Ngày đăng: 25/11/2015

Riêng xã Vị Thủy, đến nay cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM, dự kiến tháng 12 tới sẽ tổ chức lễ công nhận.

Thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng NTM”, huyện Vị Thủy đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyên truyền nên đến nay bộ mặt nông thôn huyện Vị Thủy đổi thay mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Nhìn chung, sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện và kiên cố hóa; các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt được đầu tư tương đối hoàn chỉnh phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Kết quả huy động và thực hiện nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015) trên toàn huyện với tổng số tiền trên 274 tỉ đồng.

Trong đó, đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi hơn 165 tỉ đồng; điện hơn 2 tỉ đồng; giáo dục hơn 67 tỉ đồng; cơ sở vật chất văn hóa hơn 29 tỉ đồng… Từ sự đầu tư có trọng điểm, đến nay, ngoài xã Vị Thanh được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Vị Thủy đang tiến gần đến đích NTM.

Là xã nghèo, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, năm 2011, khi được chọn làm điểm xây dựng NTM, trên nền tảng xã văn hóa, xã Vị Thủy chỉ cơ bản đạt được 4 tiêu chí NTM.

Nhận thấy sẽ gặp nhiều khó khăn nên ngay từ đầu, lãnh đạo huyện Vị Thủy sớm đề ra những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thành các tiêu chí NTM ở xã này.

Là xã nghèo nên huyện Vị Thủy không đặt nặng vấn đề thành tích, không chạy đua hoàn thành các tiêu chí đề ra, chủ yếu làm sao cuộc sống người dân thay đổi theo hướng tích cực, thực chất.

Chính nhờ sự quan tâm đầu tư đồng bộ, sự tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương, người dân đã ý thức hơn trong xây dựng các tiêu chí NTM.

Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết: Từ khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân xã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế để nâng cao mức sống người dân.

Từ năm 2011 đến nay, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã huy động vốn từ nhiều nguồn kết hợp với vận dụng sức dân nhằm góp phần hoàn thành các tiêu chí đề ra.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Vị Thủy giảm xuống đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm.

Hiện tại, xã đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn NTM, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12 tới.

Ông Danh Ba, ở ấp 8, xã Vị Thủy, chia sẻ: “Sau khi được tập huấn mô hình nuôi gà ở địa phương, tôi mạnh dạn đầu tư vốn nuôi khoảng 100 con gà tàu và đã cho lợi nhuận khá.

Sau đợt đó, gia đình tiếp tục nuôi thêm, hiện tại chuẩn bị xuất chuồng đợt 2.

Tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây nghe theo chính quyền địa phương, ngoài trồng trọt cần phải chăn nuôi thêm để kinh tế gia đình khấm khá hơn”.

Không chỉ giúp bà con có ý thức thoát nghèo, dọc theo các tuyến đường trên địa bàn xã Vị Thủy sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi cơ sở hạ tầng từ đường, trường, trạm đến cả ý thức sinh hoạt của người dân nơi đây.

Hầu hết các trục đường giao thông ở các ấp được hỗ trợ xây dựng lộ làng khang trang; cảnh quan, môi trường được người dân ra sức giữ gìn, chăm sóc, làm cho bộ mặt xã Vị Thủy ngày càng đẹp hơn.

Ông Võ Như Lai, ở ấp 4, xã Vị Thủy, chia sẻ:

“Mấy cái ổ gà trên lộ mới xuất hiện gần đây, nhìn không đẹp mắt lại gây nguy hiểm cho người đi đường, nên tôi trộn xi măng để giặm vá lại.

Không ai rủ rê, hay kêu mình làm việc này cả, do tôi tự ý thức rằng, muốn có đường đẹp để đi thì người dân phải cùng với chính quyền địa phương ra sức xây dựng, bảo vệ, sửa chữa khi cần thiết”.

Còn ông Võ Văn Tám, ở ấp 2, xã Vị Thủy, hào hứng nói:

“Chính quyền địa phương đi vận động từng người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn môi trường sống xung quanh, xây dựng hàng rào cây xanh… tất cả đều muốn góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo tôi, chỉ cần mỗi người dân có ý thức thì xóm làng sẽ thêm giàu đẹp”.

Theo ông Nguyễn Triều Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tới đây, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM ở địa phương.

Tập trung đẩy mạnh các nguồn lực trên địa bàn để xây dựng hạ tầng nông thôn, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để hoàn thành các tiêu chí.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, triển khai các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho người dân…


Có thể bạn quan tâm

Nghề Nuôi Rắn Xuất Khẩu Thu Lợi Nhuận Lớn Ở Phú Thọ Nghề Nuôi Rắn Xuất Khẩu Thu Lợi Nhuận Lớn Ở Phú Thọ

Nghề nuôi rắn ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã phát triển mạnh và sản phẩm rắn đã xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực châu Á, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân.

11/05/2012
Người Chăn Nuôi Như Ngồi Chảo Lửa Người Chăn Nuôi Như Ngồi Chảo Lửa

Tỉnh Đồng Nai, nơi được coi là “vương quốc heo” đang điêu đứng vì giá heo liên tục tụt dốc, từ 52.000 đ/kg nay chỉ còn 42.000 đ/kg. Điều đáng nói, trong khi nhiều mặt hàng như lúa gạo, cá ba sa, cá tra khi giá rớt “đáy” Chính phủ đều có gói giải pháp để cứu, nhưng con heo thì chẳng thấy ai quan tâm.

11/05/2012
Người Khai Phá Vựa Ngô Tây Bắc Người Khai Phá Vựa Ngô Tây Bắc

Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông Tây Bắc, là người có công đầu đưa Sơn La thành vựa ngô của cả miền Bắc.

13/05/2012
Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Đồng Tháp Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Đồng Tháp

Nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ tiêu thụ, cho năng suất và giá trị kinh tế cao.

14/05/2012
Mú Con Mang Kinh Tế Về Xóm Biển Mú Con Mang Kinh Tế Về Xóm Biển

Những ngày tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạng khá dày. Ngư dân vùng biển Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong, Bình Thuận) thu nhập khấm khá từ bắt cá mú con.

15/05/2012