Đua trồng khoai lang, nông dân lỗ nặng

Vụ này, toàn xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) trồng hơn 120ha khoai lang tím Nhật Bản và mới thu hoạch được 45ha. Với những diện tích thu hoạch sớm, bán được giá nên người trồng còn có lãi, còn những hộ thu hoạch muộn đang lỗ nặng. Đầu năm nay, nhà anh Trần Quý Hùng (ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) đã chuyển đổi 2ha đất trồng bắp sang trồng khoai lang tím Nhật Bản.
Sau nhiều tháng kỳ công chăm sóc, anh đã thu hoạch được 17 tấn/ha. Nhưng ngay vụ đầu tiên, gia đình anh đã thất bại khi giá khoai lang chỉ còn 3.200 đồng/kg. “Năm ngoái thấy người ta trồng khoai thắng lớn nên mình cũng mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng bắp sang trồng khoai với mong muốn đổi đời, nhưng không ngờ giá lại rớt thế này.
Bán hết khoai may lắm thu được gần trăm triệu đồng, trong khi vốn đầu tư hơn 120 triệu đồng. Nếu để diện tích này trồng bắp như cũ cũng cho lãi khoảng 30 triệu đồng/ha”, anh Hùng buồn rầu nói.
Trong khi đó, gia đình chị Lê Thị Gấm (ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cũng chuyển 1ha đất trồng lúa sang trồng khoai để mong “đổi đời”. Theo tính toán của chị Gấm, nếu khoai lang giữ giá như năm ngoái (khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg), gia đình chị sẽ có lãi lớn so với các loại cây trồng khác.
Đầu vụ thu hoạch, khoai lang có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây chỉ còn 3.200 đồng/kg. Gia đình chị thu hoạch được 20 tấn khoai, nhưng chỉ có 15 tấn được thương lái mua với giá 3.200 đồng/kg, còn 5 tấn chỉ bán với giá 800 đồng/kg. Vì thế, mỗi hécta khoai lang, gia đình chị thu về được khoảng 50 triệu đồng nhưng vốn đầu tư tới 60 triệu đồng. Đã vậy, thương lái thu mua còn ép nông dân khi đưa ra tiêu chuẩn khắt khe về kích thước khoai, củ to quá hoặc nhỏ quá đều bị loại.
Ông Đặng Văn Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana, cho hay: Vụ đông - xuân năm nay, người dân toàn huyện trồng được 347ha khoai lang (chủ yếu ngoài quy hoạch) và mới thu hoạch được khoảng 95ha. Diện tích khoai lang tập trung ở các xã Dur Kmăl (200ha), Bình Hòa (120ha), thị trấn Buôn Trấp (20ha)…
Dây khoai lang mới được người dân đưa về trồng ở địa phương 2 năm qua, xác định đây là cây trồng mới ẩn chứa nhiều rủi ro nên vụ đông - xuân này huyện chỉ có kế hoạch trồng 20ha trên địa bàn 5 xã. Nhưng do thấy khoai lang mấy năm trước lợi nhuận cao, người dân đã phớt lờ khuyến cáo, đổ xô mở rộng diện tích, tự ý chuyển đổi đất trồng lúa, bắp sang trồng khoai lang.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, nhận thấy trồng cây ăn trái theo kiểu manh mún nhỏ lẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã tích cực vận động các nhà vườn tăng cường liên kết, thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) cây ăn trái. Sự ra đời của các tổ chức kinh tế tập thể này đã và đang hứa hẹn sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ trái cây của nhà vườn trên địa bàn huyện.

“Thị trường cây giống luôn dao động, vì thế đòi hỏi người sản xuất phải luôn đi trước đón đầu tìm giống mới để không bị lạc hậu”. Đó là suy nghĩ của anh Lê Văn Thảo, được xem là “tỷ phú” cây giống mãng cầu ở ấp An Thạnh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Trong tháng 8/2015, công tác kiểm dịch động vật xuất nhập tỉnh và kiểm soát giết mổ được huyện Đức Linh thực hiện thường xuyên. Cụ thể, huyện đã kiểm dịch gần 180.000 con gia súc, gia cầm, trong đó gồm 25.799 con heo, 153.490 con gia cầm thương phẩm xuất ra ngoài huyện.

Đến nay, huyện Tánh Linh đã hình thành và mở rộng được trên 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao với tỷ lệ 100% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận từ Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ chương trình này đã lan tỏa ra các vùng lân cận, hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đều sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ…

LTS: Thời gian gần đây, giá thanh long trên thị trường Bình Thuận có nhiều diễn biến bất thường, buổi sáng giá này, buổi chiều giá khác. Sự bất bình thường này làm điêu đứng cả người trồng và người mua, bán thanh long. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Bình Thuận đã tìm ra những chiêu trò “ép giá” của thương lái Trung Quốc.