Đưa nông nghiệp chất lượng cao đến với nông dân

Tiềm năng sản xuất nông nghiệp…
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm hơn 53% diện tích đất tự nhiên, dân số nông thôn chiếm 55% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của địa phương này đã có những bước chuyển biến tích cực, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,23%.
Nuôi lợn theo phương pháp tự động vận hành thức ăn, nước uống sát trùng ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Xác định ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, các địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước phát triển về năng suất, chất lượng.
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, ngay từ năm 2000, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng dự án ứng dụng quy trình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, từ đó đã kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng cho phép; đồng thời sử dụng các giống ưu thế lai.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô lớn đều được đầu tư đồng bộ từ con giống, chuồng nuôi, thức ăn, thú y và xử lý môi trường. Chính vì vậy, nhờ tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước chuyển dịch theo hướng này, từ đó đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ 2016-2020, tỉnh đặt mục tiêu vận động hơn 50% doanh nghiệp đang hoạt động đủ điều kiện chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch từ 5 đến 7 vùng nông nghiệp chất lượng cao; quy hoạch, lập dự án đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Xuyên Mộc.
Giai đoạn 2020-2025, triển khai lập dự án đầu tư khu ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản tại huyện Đất Đỏ.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hệ thống các trạm, trại cây giống tốt với năng lực mỗi năm sản xuất 70 nghìn cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả, 42 tấn lúa nguyên chủng, 1.000 tấn giống lúa xác nhận.
Đồng thời ứng dụng công nghệ sản xuất, cung ứng các chủng giống nấm phục vụ sản xuất nấm thương phẩm ở quy mô hộ gia đình; thực hiện thành công việc nuôi cấy mô tế bào đối với các loại cây như keo lai, bạch đàn, dó bầu, mía. Do đó, tỷ lệ sử dụng cây giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên địa bàn tỉnh này cũng đã được nâng lên đáng kể.
Từ năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện mô hình VietGAP cho loại cây ăn quả này ở 3 huyện là Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Tân Thành. Sau gần 5 năm, mô hình sản xuất thí điểm thanh long theo mô hình VietGAP ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã cho kết quả khả quan. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang phối hợp cùng nông dân, khuyến khích bà con trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kết quả cho thấy, nhiều hộ nông dân đã có lợi nhuận cao gấp nhiều lần từ thanh long VietGAP so với cách làm trước đây.
…Tiến tới một nền nông nghiệp chất lượng cao
Với các mô hình sản xuất theo công nghệ cao, bước đầu áp dụng có hiệu quả đã thu hút người nông dân ngày càng tích cực tham gia. Đó là mô hình tưới nước tiết kiệm đối với cây hồ tiêu, cây thanh long, cây na đang được triển khai rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh.
Mô hình san mặt ruộng bằng tia la-de cũng đã được nông dân áp dụng, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương này là một trong những mục tiêu quan trọng, vừa nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngay từ năm 2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển cơ điện sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch của tỉnh giai đoạn 2012-2017. Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng thành công một số mô hình sơ chế rau, củ quả, đóng gói trái cây, sấy lúa, hay như đầu tư xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới.v.v..
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thạc sĩ Mai Văn Trị, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một số nông sản nổi tiếng như hồ tiêu, nhãn xuồng, na... ,trong đó một số ngành hàng như hồ tiêu sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trước mắt, tỉnh cần chọn một vài loại cây trồng quan trọng để đầu tư trọng điểm hơn cho việc ứng dụng công nghệ cao, đồng thời làm tốt hơn công tác quy hoạch vùng trồng, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất công nghệ cao, tạo mặt bằng cho hoạt động sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến bảo quản cũng như khâu phân phối sản phẩm...
Ông Lê Văn Tường, xã viên Hợp tác xã Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc cho biết, khi Hợp tác xã Nhân Tâm sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình VietGAP, sản phẩm đã được bạn hàng tin cậy về chất lượng, mức độ an toàn thực phẩm, xóa bỏ những nghi ngại trước đây về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó cho thấy, sản xuất theo chuẩn VietGAP đã giải tỏa được phần nào những khó khăn trong việc đưa quả nhãn ra thị trường.
Theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thì trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2015-2020, ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích ngoài vùng quy hoạch; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, với nhóm cây ăn quả, tập trung phát triển theo quy hoạch, chú trọng tập trung các loại cây chủ lực như nhãn xuồng, na, bưởi da xanh và thanh long.
Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tiếp tục giữ vững thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản, giúp nhân dân trong vùng tập trung mở rộng diện tích, đầu tư nhân lực vào sản xuất sạch, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp cận với một nền nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo chất lượng lượng, hiệu quả kinh tế cho người nông dân yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.

Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

Giống B-TE1 có xuất xứ từ đâu và được các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào?

Theo báo cáo của Phòng NN- PTNT huyện Vạn Ninh, bệnh xuất hiện đã 2 tháng nay, lúc đầu chỉ vài hecta, sau lan rất nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Thắng… Ngay từ khi diện tích lúa bị bệnh và có dấu hiệu lan rộng, UBND huyện đã kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm BVTV miền Trung tiến hành thu thập mẫu gửi giám định tại Chi cục Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II ở TPHCM và Viện BVTV ngoài Hà Nội.