Dừa Ninh Đa Sắp Có Thương Hiệu

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và các ban, ngành, địa phương liên quan đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho dừa Ninh Đa. Dự kiến, năm 2015, dừa Ninh Đa sẽ có thương hiệu độc quyền.
Xứ sở dừa ngon
Với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, từ lâu, phường Ninh Đa đã có đặc sản nổi tiếng là quả dừa. Xét theo thứ tự các tổ dân phố thì Vạn Thiện là nơi có chất lượng dừa ngon nhất và diện tích cũng lớn nhất, rồi tới Phước Đa 2, Mỹ Lệ, Phước Sơn, Phước Đa 3...
Những năm gần đây, phong trào trồng dừa diễn ra rầm rộ. Dừa đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân không còn mặn mà với các loại cây trồng kém hiệu quả như: mít, xoài. Nhiều mảnh vườn tạp đã chuyển đổi sang trồng dừa. Ông Võ Đình Khoa - Tổ trưởng tổ dân phố Vạn Thiện khẳng định, cây dừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, không bỏ thứ gì từ thân đến lá nên người dân đã phá bỏ các cây trồng khác để trồng dừa. Nếu hộ có từ 30 đến 40 gốc dừa thì thu nhập ổn định 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Thấy được lợi ích từ cây dừa, Hội Nông dân (HND) phường đã phối hợp với các ban, ngành, đặc biệt là phối hợp với Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu tiến hành chọn giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giúp người dân thâm canh cây dừa đạt hiệu quả. HND phường cũng xây dựng tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ quả dừa, làm tiền đề xây dựng thương hiệu cho quả dừa Ninh Đa. Ông Nguyễn Anh Tư - Tổ trưởng tổ liên kết dừa Vạn Thiện chia sẻ: Tổ thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây dừa, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, số lượng, diện tích dừa tăng nhanh; 2 năm trở lại đây đã có thêm 3.000 cây dừa được trồng mới. Việc chọn giống cũng được quan tâm. Đặc biệt, nông dân đã biết dùng bọ đuôi kìm để phòng trừ bệnh hại dừa. Một số chủ vườn có điều kiện đã đào mương, bơm tưới để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây dừa...
Sắp có thương hiệu
Theo ông Lê Mười - Chủ tịch HND phường, dừa Ninh Đa ngon có tiếng nên nhiều nơi đã lợi dụng trà trộn sản phẩm kém chất lượng, làm cho tên tuổi của quả dừa Ninh Đa bị ảnh hưởng. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho dừa Ninh Đa là cần thiết.
Sau khi phường Ninh Đa có tờ trình đề xuất xây dựng thương hiệu cho quả dừa, thị xã Ninh Hòa đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ giúp sức. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho quả dừa Ninh Đa được giao cho HND thị xã chủ trì vận động người trồng dừa thực hiện. Theo bà Bùi Thị Hồng Quý - Phòng Kinh tế thị xã, đến nay, thị xã đã triển khai một số công việc để xây dựng thương hiệu dừa Ninh Đa như: Xác lập quyền cho thương hiệu dừa Ninh Đa dưới hình thức nhãn hiệu tập thể; chọn HND thị xã làm chủ nhãn hiệu tập thể; Phòng Kinh tế hỗ trợ, phối hợp xây dựng nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ giao Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ Việt (Viet IP) điều phối về nội dung, tiến độ dự án; hộ trồng dừa cung cấp thông tin theo yêu cầu, đăng ký tham gia thí điểm và áp dụng nhãn hiệu, phản ánh vướng mắc để tư vấn điều chỉnh...
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Viet IP cho biết, đến nay, Công ty đã phối hợp các đơn vị, ban, ngành tiến hành khảo sát hiện trạng trồng dừa trong khu vực, lấy mẫu test kiểm tra độ đường, chất béo trong quả dừa, xin ý kiến nông dân về thiết kế logo thương hiệu... Các phần công việc được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Dự kiến đến tháng 6-2015, thương hiệu dừa Ninh Đa sẽ hoàn thành.
Hy vọng, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho quả dừa Ninh Đa được triển khai thuận lợi để quả dừa không bị tư thương ép giá, sản phẩm tiêu thụ nhanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 11/6, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau tổ chức công bố kết quả đề tài khoa học “Tác động tích cực của giống lúa ARIZE B – TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm – lúa các tỉnh Kiên Giang, Bạc liêu và Cà Mau” do Công ty Bayer Việt Nam chủ trì.

Chết nhanh là bệnh hại phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây hồ tiêu. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa.
Mô hình 3 giảm 3 tăng (3G3T) trong sản xuất lúa giúp nông dân từng bước tiếp cận với những phương thức, kỹ thuật canh tác lúa đem hiệu quả kinh tế cao, hiện mô hình này giúp nông dân ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích lúa, ngô, đậu tương ở tỉnh Hà Giang bị giảm năng suất hoặc mất trắng. Nặng nhất là ở hai huyện phía tây của tỉnh là Hoàng Su Phì và Xín Mần có hàng trăm ha ngô đến kỳ cho thu hoạch người dân mới phát hiện ra bắp ngô chỉ có nõn chứ không có hạt hoặc có cũng rất ít.
Liên tục các vụ sản xuất lúa gần đây, nông dân ở xã Long Khánh A và Long Khánh B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) “đau đầu” khi xuống giống xong, lúa không đâm chồi, chết cây giai đoạn mạ hoặc một số diện tích khác khi trổ chín bị rụt bông, không thu hoạch được.