Dưa Hoàng Kim Hái Ra Tiền

Sau vụ lúa đông xuân sớm, các xã Bình Minh, Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận) lại tất bật đào mương, lên liếp để trồng màu. Ông Trần Văn Thỏa, ở ấp Bình Minh, xã Bình Minh trồng 1 ha dưa hoàng kim phấn khởi cho biết: “Nhờ trồng đúng kỹ thuật, thời tiết năm nay lại thuận lợi nên năng suất dưa đạt khá cao. Gia đình tui đã thu hoạch 5 công được gần 20 tấn, thương lái mua tại ruộng giá 3.300 đ/kg. Còn 5 công nữa lái đã đặt cọc trước, hẹn cuối tuần này sẽ cân hết. Với 1 ha dưa hoàng kim, dự kiến năm nay gia đình tui thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 75 triệu. Nếu so với làm lúa, trồng dưa hoàng kim lãi gấp 3- 4 lần. Đã 3 năm liên tiếp gia đình tui đều có thu nhập cao vụ màu này”.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Tài, ở xã Vĩnh Bình Bắc trồng hơn 1 ha vừa dưa hoàng kim và dưa hấu cũng trúng mùa, trúng giá. Ông Tài cho biết: “2 loại dưa này đều là trái cây chứa nhiều nước, có tính giải khát nên tiêu thụ rất mạnh vào mùa nắng nóng. Vì vậy, cứ gần đến mùa thu hoạch là thương lái ra ruộng coi dưa rồi đặt cọc trước. Đến ngày thu hoạch chỉ cần điện báo trước là họ đưa xe đến chở đi hết, nông dân rất yên tâm về đầu ra”.
Để tăng thêm thu nhập, ông Tài không cân xô mà chỉ chọn loại dưa đẹp bán cho thương lái với giá 3.600 đ/kg. Số còn lại thu hoạch từ từ rồi đưa ra quốc lộ bán cho người đi đường ăn giải khát. Với cách làm này, hơn 1 ha dưa năm nay gia đình ông Tài lãi gần 90 triệu đồng.
Nông dân huyện Vĩnh Thuận bắt đầu trồng dưa xen canh trên đất lúa khoảng 10 năm trở lại đây và diện tích cứ tăng dần theo từng năm. Người đầu tiên đưa giống dưa hoàng kim về đây trồng là anh Phạm Chí Công. Khi mới bắt đầu trồng anh Công gặp không ít khó khăn do sản phẩm làm ra không biết bán cho ai, trong khi lượng tiêu thụ tại chỗ không đáng kể. Không nản lòng, anh Công cùng với mấy người bạn thuê xe chở đi TP Rạch Giá (Kiên Giang), An Giang, Cần Thơ tiêu thụ bằng cách bán "gối đầu" cho các vựa tại các chợ trung tâm. Nhờ đó mà dưa hoàng kim ở Vĩnh Thuận đã có nơi tiêu thụ, bán được giá cao. Sau này, anh Công còn đứng ra thành lập tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Ông Nguyễn Trọng Hữu, Trạm trưởng Trạm KN- KN huyện Vĩnh Thuận cho biết, diện tích trồng màu xen canh trên đất lúa của huyện năm nay được 193 ha, nhiều nhất là dưa hoàng kim và dưa hấu. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 100 ha, năng suất đạt từ 35- 40 tấn/ha. Hiện đang là mùa nắng nóng nên hai loại dưa này được tiêu thụ rất mạnh. Thương lái từ các thành phố lớn như Cần Thơ, Hồ Chí Minh đem xe xuống tận nơi thu mua với giá từ 3.000-3.500 đ/kg. Với mức giá này, mỗi ha nông dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 70 triệu. Đây là mức lãi rất cao đối với vùng đất nhiễm phèn mặn như ở Vĩnh Thuận. Việc trồng màu xen canh trên nền đất lúa không chỉ làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân mà vụ lúa sau vụ dưa cũng tốt hơn, lúa ít sâu bệnh nên giảm được chi phí đầu tư.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi đi tham quan mô hình nuôi rắn của một người quen ở tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau), nhận thấy loài rắn hổ hèo (miền Đông gọi là long thừa) rất dễ nuôi. Do đặc tính lành, không độc nên ông quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm, bước đầu cho thấy rất khả quan.

Từ lâu, cây chè đã được các xã miền núi của Hà Nội chọn làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, phần lớn là các giống chè cũ… nên hiệu quả kinh tế thấp.

Nông dân các huyện trong tỉnh Đồng Nai khốn đốn khi sử dụng giống bắp NK-67 - lai đơn F1 có nguồn gốc từ Indonesia do Công ty Syngenta nhập khẩu và phân phối, có hiện tượng cây phát triển không đều, gây mất năng suất. Riêng tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), nông dân cũng đang rất lo lắng vì đã lỡ sử dụng hàng trăm kg giống bắp NK-67 gieo trồng cho vụ hè - thu này.

Về Nghi Hương -Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) mùa này nhìn những cánh đồng dưa xanh ngút ngát, chạy dài ven chân những đầm sen, cái oi bức của ngày hè như dịu lại.

Những năm gần đây, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống ruộng lúa, nông dân nhiều nơi từ Bắc vào Nam đã đưa cây ớt vào trồng mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa gấp 3 - 5 lần.