Dưa Hấu Xen Vụ Rau Màu Giúp Thoát Nghèo Ở Bến Tre

Từ năm 2006, nông dân xã Thừa Đức (Bình Đại - Bến Tre) được Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện mô hình “trồng dưa hấu trải bạt” trên đất giồng cát, thu hoạch đạt năng suất cao. Trong vài năm trở lại đây, nông dân trúng lớn nhờ áp dụng mô hình “dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu trên đất giồng cát.
Hàng năm, nông dân xã trồng xoay vòng 2 vụ mùa dưa hấu và từ 1 đến 2 vụ rau màu khác trên diện tích 121,1ha. Với mô hình “trồng dưa hấu trải bạt”, sau khi làm đất xong, bón lót phân và phủ bạt sẽ hạn chế nước bốc hơi, giảm số lần tưới, hạn chế cỏ dại, tránh xói mòn đất và hạn chế sâu rầy hại dưa. Từ đó, mô hình này làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi vụ dưa hấu, nông dân thu hoạch được từ 2,5 - 3,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng/công đất. Người dân còn trồng xen vụ dưa hấu với các loại rau màu khác như: đậu phộng, củ cải, củ sắn. Mỗi công đất trồng rau màu, sau khi trừ chi phí, các hộ dân thu lãi từ 10 - 20 triệu đồng/công đất/vụ. Đặc biệt trồng đậu phộng vừa thu được lợi nhuận, vừa giữ độ phì cho đất.
Nhờ áp dụng thành công mô hình dưa hấu phủ bạt xen với trồng màu, nhiều hộ nông dân xã Thừa Đức thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Dẩu, ấp Thừa Lợi. Với 3 công đất trồng dưa hấu trải bạt, bước vào vụ mùa dưa thuận (tháng 11 xuống giống, tháng 3, 4 thu hoạch), ông bán được 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 40 triệu đồng. Vụ dưa nghịch (từ tháng 8 đến tháng 11), ông cũng thu về được 30 triệu đồng/3 công đất. Sau 2 vụ dưa, ông trồng luân canh 1 vụ đậu phộng hoặc bắp, mỗi vụ ông thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Ông cho biết: “Trước đây, trồng dưa hấu theo kinh nghiệm, phân bón, hạt giống chưa được cải tiến nên năng suất không cao. Gần đây, được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, nên sản lượng cao gấp nhiều lần so với trước”.
Ông Đào Văn Ra, ấp Thừa Lợi, cho biết, ông trồng dưa hấu luân canh rau màu trên đất giồng. Vụ vừa rồi, với 5 công đất giồng, ông thu hoạch trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi 70 triệu đồng. Ông trồng xen bắp, mỗi vụ rau màu ông thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng. Ông mua thêm 14 công đất giồng, lo cho con cháu ăn học đầy đủ, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, nhờ áp dụng thành công mô hình trồng dưa hấu trải bạt luân canh rau màu và nhờ tính siêng năng, cần mẫn, nhiều hộ nông dân khác trong xã đã phát triển kinh tế gia đình, như: ông Võ Văn Lộc, ông Võ Văn Hùng ở ấp Thừa Lợi, ông Nguyễn Văn Nhẫn ở ấp Thừa Trung.
Ông Phạm Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức cho biết: “Trong những năm qua, từ mô hình “Trồng dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu khác trên đất giồng cát, bà con nông dân xã Thừa Đức rất phấn khởi vì được mùa lại được giá. Hướng tới, chính quyền xã khuyến khích nông dân tiếp tục trồng xen vụ các loại rau màu, tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhằm giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Những lồng bè nuôi cá mú san sát trước đây ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nay đang thưa thớt dần, bởi hầu hết người nuôi thua lỗ nặng do giá cá rớt dần từ trước tết đến nay. Bây giờ dưới màu nước trong xanh tận đáy ven bờ, bà con ngư dân nuôi tạm một vài loài hải sản khác, chờ giá cá mú hồi sinh trở lại…

Trước đây, phần lớn nghề nuôi thủy sản ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phát triển theo hình thức nuôi tự phát. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước phong trào nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh.

Ông Phan Văn Bé (Ba Bé, 66 tuổi, ngụ ấp Lộc Hưng, xã Hòa Phú- Long Hồ- Vĩnh Long) kể, trưa 22/4, con ông phát hiện một con cá lạ nổi đầu ngớp nước ở dưới con rạch Mười Trầu trước nhà nên đã vào nhà báo cho gia đình biết.

Với trên 80% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính bền vững, điển hình là mô hình nuôi bò thịt.

Dù mới chỉ có vài chục hộ ở TP Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu sử dụng né gỗ để nuôi tằm và máy để gỡ kén tằm, thế nhưng, hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ mới này đã giúp người nông dân giảm được nhiều công lao động và tăng cao thu nhập.