Dưa Hấu Thừa Ế, Chất Đống Vì Sản Xuất Thiếu Quy Củ

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc bà con nông dân được mùa-mất giá là do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn trong tình trạng không chính quy, chạy theo phong trào.
Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết ngày 29/3, vẫn còn khoảng 1.000 xe vận chuyển nông sản ùn ứ trên tuyến đường lên cửa khẩu Tân Thanh. Phần lớn các xe này chở theo dưa hấu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hệ quả là thương lái tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ như Phú Yên, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Giang không tiếp tục tiến hành thu mua, gây nên cảnh dưa hấu ế ẩm, chất đống ngay tại ruộng của bà con nông dân.
Trồng được 20 tấn dưa trên diện tích 12 sào, song gia đình anh Phạm Đỗ Thừa (Đa Lộc, Đồng Xuân, Phú Yên) mới chỉ bán được một nửa cho thương lái. Số còn lại phải mang ra chợ bán lẻ với giá rẻ mạt 1000-2000 đồng mỗi kg. "Dưa được mùa chưa kịp mừng thì thương lái ngừng thu mua đột ngột, nên gia đình tôi mới chỉ bán 10 tấn, thu về 21 triệu đồng. Số còn lại bán đổ, bán tháo hoặc cho bà con trong xã ăn miễn phí nên cầm chắc lỗ hơn 40 triệu", anh Thừa than thở.
Tương tự tại Quảng Ngãi, bà con nông dân đã thu hoạch dưa hấu, chất đầy đường nhưng thương lái vẫn biệt tăm, không thấy mặn mà hỏi mua như hồi đầu vụ. Đang có mặt tại Phú Yên lúc này, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung lý giải, sở dĩ bà con rơi vào tình cảnh được mùa, mất giá là do làm nông nghiệp theo kiểu chạy theo phong trào, tự phát.
"Để xảy ra thực trạng này phần lớn là do khâu dự báo quy hoạch, cảnh báo thị trường của quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém. Muốn làm nông nghiệp chính quy, trước hết phải có sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Bà con phải được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, nắm bắt thông tin thị trường, áp dụng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn thành công mới nhân rộng làm đại trà... Như vậy mới hy vọng tránh được tình trạng nông sản ùn ứ sau mỗi mùa thu hoạch như hiện nay", ông Lịch khuyến cáo.
Để giải quyết trước mắt đầu ra cho bà con hiện nay, một số đơn vị bán lẻ, siêu thị trong nước đã đứng ra thu mua dưa hấu cho bà con tại ruộng. Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân cho biết đã trực tiếp liên lạc với các phòng nông nghiệp các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ để tiêu thụ dưa.
Theo quy trình, doanh nghiệp sẽ cùng phòng nông nghiệp kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm và được chi cục bảo vệ thực vật tỉnh công nhận về chất lượng. Bình quân một ngày, 8 Co.opmart ở khu vực miền Trung như như Phú Yên, Cam Ranh, Nha Trang, Quảng Ngãi... đã thu mua khoảng 20 tấn. Sau 5 ngày thực hiện, đơn vị này đã tiêu thụ được khoảng 100 tấn dưa cho bà con, tăng 20 lần so với bình thường. Riêng khu vực TP HCM và miền Tây Nam Bộ, sức mua của người tiêu dùng cũng tăng lên gấp 3 lần nhờ các chương trình khuyến mại, bán xô với giá 10.000-15.000 đồng một trái.
Ông Nhân cũng cho biết thêm, trước đây việc thu mua nông sản của doanh nghiệp mới ký kết với hợp tác xã của các tỉnh như Lâm Đồng, Tiền Giang, Mỹ Tho, Long An nên bà con nơi đây thường sản xuất theo kế hoạch ít bấp bênh hơn. Còn các tỉnh miền Trung, siêu thị chỉ mới liên kết về thủy sản, chứ chưa liên kết về nông sản nên các hộ tại đây thường trồng đại trà, khiến lượng cung tăng mạnh mà cầu thì không có.
Có thể bạn quan tâm

Xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được lựa chọn làm vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, gồm các thôn: Hiệp Tân, Kép 2A, Kép 1, Kép 3 và HTX Hồng Giang. Mỗi nhóm gồm 4 - 5 cán bộ kết hợp với Cục Bảo vệ thực vật thẩm định lại các vườn trồng về điều kiện cấp mã số vùng trồng. Đón chuyên gia nước ngoài đến kiểm tra; tập huấn kỹ thuật, cách ghi sổ nhật ký theo dõi quy trình VietGAP, các quy định của thị trường xuất khẩu.

Hướng đến công nghệ chế biến nhằm tăng thêm giá trị cho xoài, tránh được rủi ro khi thị trường xuất khẩu có vấn đề, đồng thời triển khai đồng bộ thị trường nội địa và xuất khẩu là phương thức hay mà An Giang cần nghĩ đến” – kỹ sư Phan Nhật Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Mê Kông (TP. Cần Thơ), chia sẻ.

Tiêu biểu trong phong trào này là hộ bà Phan Thị No và bà Phan Thị Phơ. Hai bà không chỉ trồng các loại rau màu theo thời vụ mà còn trồng dưa hấu trên bờ bao vuông tôm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình đón những mùa xuân sung túc.

Thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND tỉnh, tháng 4/2014, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai mô hình nuôi cá giống mới cho 50 hộ dân trên địa bàn, với tổng diện tích 40ha. Mô hình nuôi cá giống mới hỗ trợ 1,2 triệu con cá rô phi đơn tính giống Đường nghiệp và 40 nghìn cá chép lai ba máu cho các hộ nuôi.

Giống như mọi ngày, hôm nay, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Bảy Khắc (Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thong thả tập kết thức ăn lên xuồng, bơi trên đầm cho tôm ăn. Vừa cho tôm ăn, ông đưa mắt nhìn những cánh quạt đang quay đều mà lòng đầy phấn khởi, hy vọng vụ tôm này sẽ thắng lợi như năm trước.