Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dưa Hấu Tết Vào Vụ Sản Xuất

Dưa Hấu Tết Vào Vụ Sản Xuất
Ngày đăng: 18/12/2013

Như một thông lệ, cứ khoảng cuối tháng 10 - đầu tháng 11 âm lịch, trong khi người trồng lúa đang bận rộn việc xuống giống vụ Đông xuân thì người trồng dưa cũng rộn ràng bắt đầu vào vụ tết.

Lũ chậm rút, nông dân xuống giống trễ

Anh Trần Văn Hải ở ấp 3, xã Thuận Hòa, Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết: “Mọi năm cứ vào khoảng thời gian từ ngày 20-25 tháng 10 (âm lịch) là bà con nông dân trồng dưa hấu đã xuống giống để chuẩn bị kịp phục vụ Tết Nguyên đán. Thế nhưng năm nay, nước lũ trên đồng ruộng còn khá cao nên xuống giống trễ”.

Một số ruộng dưa chưa có hệ thống đê bao thì vẫn còn chờ đợi nước rút rồi mới tiến hành gieo hạt. Anh Trần Văn Hải chia sẻ: “Vụ dưa hấu năm nay của gia đình tôi sẽ không thu hoạch đúng dịp tết được, đợi rút nước rồi mới xuống giống thì đã trễ. Vì vậy, tôi để qua tết mới thu hoạch”. Không riêng gì gia đình anh Hải, nhiều bà con trồng dưa tại xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy), xã Long Bình, xã Long Trị (Long Mỹ) dù đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cũng đành lỗi hẹn mùa dưa.

Ngoài ra, do ảnh hưởng về giá cả nên diện tích trồng dưa cũng có xu hướng giảm. Ông Võ Văn Năng, Chủ nhiệm HTX dưa hấu VietGAP, ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy cho biết: “Diện tích trồng dưa của HTX là 10ha nhưng vụ này chỉ xuống giống 3,6ha, chủ yếu là những thửa đất có đê bao, diện tích còn lại qua tết mới bắt đầu gieo. Vụ dưa vừa qua, bà con thu lợi thấp nên vụ tết này còn e ngại”.

Theo ông Võ Minh Chính, chủ cơ sở kinh doanh hạt giống, ấp 1, thị trấn Long Mỹ cho biết: “Năm nay, giá hạt giống không tăng nhiều nhưng hạt giống bán ra giảm hẳn. Nghe người trồng dưa nói vụ vừa qua có lời thấp quá nên vụ này bà con còn khá e dè”.

Lợi thế của đê bao khép kín

Tuy nhiên, đối với những vùng có trạm bơm điện và hệ thống đê bao khép kín, những ngày cuối tháng 10 âm lịch, không khí chuẩn bị dưa tết đã nhộn nhịp hẳn lên. Được biết, trong vụ mùa này bà con ưu tiên chọn giống dưa trái tròn được thị trường ưa chuộng chưng tết như dưa có hạt Thành Long, Hoàng Bảo Bảo và dưa không hạt Mặt Trời Đỏ…

Bên cạnh đó, để chủ động trong lịch gieo giống, nhiều nông dân đã tự đặt máy bơm thoát nước trước khi lũ rút. Ông Võ Văn Năng chia sẻ thêm: “Để đảm bảo dưa kịp cung ứng cho khách hàng vào những ngày cuối năm, mấy bữa nay các máy bơm của HTX hoạt động liên tục”. Ngoài ra, công đoạn lên liếp, đậy màng phủ và gieo hạt vào bầu được các nông dân tiến hành cùng lúc.

Theo dự đoán của nhiều nông dân, giá dưa hấu tết năm nay có thể ở mức cao. Vào những ngày cuối năm, dưa hấu là một phần không thể thiếu trên thị trường. Hiện tại, thương lái đã đặt hàng tại một số rẫy dưa chuyên sản xuất theo hướng GAP và giống dưa quả tròn để chưng tết. Một số nhà vườn nắm được tình hình nên đã mạnh dạn đầu tư và kỳ vọng vào một mùa dưa tết bội thu.

Anh Nguyễn Thanh Triều, ấp Bình Thạnh, xã Long Bình, Long Mỹ có trên 4 công đất trồng dưa hấu. Anh sử dụng màng phủ nông nghiệp trồng dưa hấu, giảm chi phí, cho ra sản phẩm sạch. Anh Triều chia sẻ: “Vụ dưa vừa qua nhà tôi bị lỗ vốn nhưng tôi vẫn quyết tâm trồng lại. Hiện, tôi đang tiến hành bầu hạt, dự định 2-3 hôm nữa sẽ đặt cây con”.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Những ngày gần đây, thời tiết tương đối thuận lợi và thích hợp cho việc xuống giống dưa hấu. Mặc dù lũ rút chậm nhưng nhiều nông dân đã chủ động bơm rút nước, gom mô… Đối với dưa hấu tiêu chuẩn VietGAP, năm nay chưa có nhà vườn nào ứng dụng mà chỉ sản xuất theo hướng GAP”.


Có thể bạn quan tâm

Gà Đồi Mậu Lâm (Thanh Hóa) Gà Đồi Mậu Lâm (Thanh Hóa)

Một ngày cuối năm nắng hanh vàng, chúng tôi về thăm xã Mậu Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa). Qua dốc núi Eo Gắm, cách bản làng 300 m, đã nghe tiếng gà gáy rộn vang cả một không gian, làm thức dậy ký ức quê xưa, nơi tuổi thơ vẫn được nghe tiếng gà gáy mỗi trưa.

12/02/2015
Dầu Tiếng (Bình Dương) Nhiều Tiềm Năng Trong Chăn Nuôi Bò Sữa Dầu Tiếng (Bình Dương) Nhiều Tiềm Năng Trong Chăn Nuôi Bò Sữa

Xã Long Tân là địa phương có truyền thống nuôi bò sữa của huyện Dầu Tiếng. Trước đây, những mô hình nuôi bò sữa tại đây có quy mô nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết, vì vậy nguồn thu nhập của người nuôi bò sữa không ổn định. Tháng 8-2013, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Long Tân (HTX Long Tân) được thành lập gồm 16 hội viên, vốn điều lệ hơn 9,3 tỷ đồng.

12/02/2015
Năm Ất Mùi Kể Chuyện Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Dê Năm Ất Mùi Kể Chuyện Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Dê

Ninh Thuận là vùng đất khô hạn, thừa nắng thiếu mưa, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nghề nuôi dê, cừu lại phát triển giúp cho hàng ngàn nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Nhờ chăn nuôi dê cừu mà không ít nông dân nghèo đã vươn lên làm giàu trên vùng đất cằn cỗi của quê hương.

12/02/2015
Xử Lý Chất Thải Chăn Nuôi Bằng Công Trình Bể Khí Sinh Học Ở Mỹ Lộc (Nam Định) Xử Lý Chất Thải Chăn Nuôi Bằng Công Trình Bể Khí Sinh Học Ở Mỹ Lộc (Nam Định)

Trên địa bàn huyện Mỹ Lộc (Nam Định) hiện có trên 700 trang trại, gia trại, lượng chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm là rất lớn. Tình trạng chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm xả trực tiếp ra môi trường xung quanh đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

12/02/2015
Đón Tết Trên Biển Đón Tết Trên Biển

Sau rằm tháng Chạp, không khí tại các làng biển như Hà Ra, Hòn Rớ, Cửa Bé (TP. Nha Trang) trở nên chộn rộn không khí Tết sớm. Nhiều gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên để cánh đàn ông, những ngư phủ trong gia đình ra khơi cho kịp chuyến biển cuối năm.

13/02/2015