Dưa Hấu, Mía Đầu Mùa Được Giá

Những ngày qua, nông dân trồng mía, dưa hấu ở Hậu Giang rất phấn khởi bởi sản phẩm làm ra vừa trúng mùa, vừa được giá cao, lợi nhuận thu về hàng chục triệu đồng/ha, đặc biệt diện tích trồng dưa hấu trái vụ cho lãi khoảng 150 triệu đồng/ha.
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 1.500 ha mía, năng suất đạt từ 100-115 tấn/ha, tập trung ở các huyện đầu nguồn mùa lũ Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy. Hiện thương lái mua mía nguyên liệu tại rẫy có giá từ 850-900 đồng/kg, tăng gần 100 đồng/kg so vụ trước.
Giá mía tăng một phần do đầu vụ, mặt khác chữ đường vụ này đạt cao, dao động từ 10,5 đến 11 chữ đường, tăng gần 1 chữ đường so với vụ trước. Với giá mía hiện tại, những diện tích đạt năng suất 100 tấn/ha sẽ có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng, còn năng suất từ 120-200 tấn/ha thì mức lợi nhuận có thể đạt từ 30-60 triệu đồng.
Nhiều người trồng mía địa phương cho biết: vụ mía này đạt năng suất, chữ đường cao là nhờ chính sách bao tiêu sản phẩm của nhà nước, khi đầu ra được bao tiêu, người dân yên tâm chăm sóc, mở rộng đầu tư. Với mức lợi nhuận này, được xem đây là một trong những vụ mía nông dân tỉnh này có lãi cao nhất.
Hơn nữa, vụ mía 2014 - 2015, phần lớn diện tích đã được các nhà máy, doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cùng với đó, vụ mía này các nhà máy đường vào vụ ép sớm hơn mọi năm, nông dân không còn lo lắng thu hoạch mía chạy lũ, sợ ngập úng, bị thương lái ép giá như những vụ trước.
Cùng niềm vui đó, người trồng dưa hấu trái vụ ở tỉnh này cũng rất phấn khởi. Hiện giá dưa hấu loại không hạt được thương lái thu mua 8.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với vụ thường. Ngoài giá cao, năng suất dưa vụ này cũng đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha, cao hơn vụ trước 1,5 tấn/ha.
Với giá cả và năng suất hiện tại, mỗi héc ta dưa hấu nông dân thu lãi khoảng 150 triệu đồng, đây là mức lãi cao đối với người trồng dưa hấu ở tỉnh này. Tuy nhiên, theo các địa phương, do đây là vụ dưa trái vụ, nên diện tích, sản lượng không nhiều, chủ yếu sản xuất ở những khu vực đủ điều kiện, vùng đất cao, không bị ngập lũ.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chương trình tái canh cà phê, hiện nay, các cấp chính quyền và người dân địa phương đang triển khai trồng thay thế giống mới hoặc ghép giống mới, nhằm “trẻ hóa” vườn cây.

Giáo sư, tiến sĩ Ngô Ngọc Hưng-Trường đại học Cần Thơ đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cân đối dinh dưỡng và cơ cấu canh tác hợp lý cho vùng trồng bắp lai ở 3 xã Quốc Thái, Phú Hữu và Khánh An (huyện An Phú, An Giang).

Gần một tháng qua, dọc sông Hậu thuộc các tỉnh, thành Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… hoạt động thu mua lúa gạo nhộn nhịp “khác thường”. Theo nhiều doanh nghiệp và các thương lái bản địa, đang có một nhóm thương lái là người miền Bắc dẫn theo một số người Trung Quốc vào đây thu gom lúa gạo để xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch làm xáo trộn thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Nhờ chịu khó, ham học hỏi và biết phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, anh Hồ Tấn Cường (thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở thành nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.

Năm 2013, phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã chủ động tìm kiếm, liên hệ với doanh nghiệp và đã tư vấn hình thành mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu tại địa phương. Kết quả sau thực hiện liên doanh liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm bước đầu đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận.