Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dưa Hấu… Lại Chuyện Được Mùa, Rớt Giá

Dưa Hấu… Lại Chuyện Được Mùa, Rớt Giá
Ngày đăng: 03/04/2014

Chỉ mới cách đây vài tháng (vào thời điểm cận tết), giá dưa hấu khá cao, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận trung bình khoảng 150 triệu đồng/ha. Thế nhưng hiện nay, người trồng dưa lại lắc đầu ngán ngẩm, chỉ còn biết “lỗ ít hay lỗ nhiều” mà thôi, chứ lời thì không có,…

Mấy ngày nay, tại các điểm “tập kết” dưa hấu quen thuộc trên Quốc lộ 1A thuộc khu vực phường 5, TP.Tân An và thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) cũng như các điểm bán dưa tự phát ở những khu vực lân cận,… hình ảnh đống dưa cùng tấm bìa các-tông với con số 3.000 đồng/kg, 5.000/kg xuất hiện khắp nơi. Qua đó, chúng ta phần nào có thể đoán được giá dưa đã “rớt” rất thê thảm.

Chị Tuyết, chủ một vựa dưa ở khu phố 9, thị trấn Bến Lức cho biết: “Cách đây khoảng 10 ngày, khi giá dưa xuống thấp đỉnh điểm thì dưa Phù Đổng loại 1 (dùng để chuyển ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) giá chỉ có 4.000 đồng/kg, loại 2 từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, còn dưa loại 3, dưa nụ, dưa “dạt” là coi như bỏ.

Với dưa Mặt Trời Đỏ cũng vậy, giá hồi cận tết khi mua tại vườn đã là 11.000 - 12.000 đồng/kg loại 1, nay chỉ còn 5.000 đồng/kg, loại 2 khi về đây có chỗ bán lẻ “xổ” còn 10.000 đồng/3kg”.

Được biết mùa này, Tân Trụ, Châu Thành không có hàng nên nguồn dưa chủ yếu mà các thương lái thu mua từ các huyện ở khu vực Đồng Tháp Mười, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Thạnh. Tìm về xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, nông dân nơi đây “kêu trời” vì hơn 20ha dưa của toàn xã đang chín rộ mà giá quá thấp.

Anh Nguyễn Văn Lô (ấp Thận Cần, xã Bắc Hòa) buồn bã: “Tôi mới thu hoạch xong 2ha dưa vào hôm qua, lái trả 4.700 đồng/kg cho dưa loại 1, trong khi mới cách đây chưa đầy 2 tháng, giá dưa này mua tại ruộng đã là 11.000 - 11.500 đồng/kg rồi. Tổng kết lại thì tôi lỗ trên 30 triệu đồng/ha.

Năm trước, vừa được mùa, vừa được giá, năng suất từ 30 - 40 tấn/ha mà giá dưa cũng cao, trung bình mỗi hécta lời từ 150 - 200 triệu đồng. Năm nay, chi phí bỏ ra nhiều, riêng tiền thuốc thôi đã hết 15 triệu đồng/ha, trong khi mùa trước chỉ có 10 triệu đồng nên lỗ thì lại càng lỗ!”.

Anh Lê Văn Út, ngụ cùng xã cũng chuẩn bị thu hoạch dưa. Anh Út ngán ngẩm: “Tôi nhờ “mối” quen từ trước giờ, người ta thương tình mua giùm tôi dưa loại ngon với giá 6.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất trong vùng này rồi nhưng tôi còn phải chịu tiền bốc dỡ, tiền xe vận chuyển nên tính ra chẳng hơn gì những hộ nông dân khác.

Đầu mùa, tiền phân, thuốc, công chăm sóc thôi cũng bỏ ra hơn 90 triệu đồng/ha, chưa kể tiền đào liếp. Giờ tôi chỉ hy vọng mấy mùa sau, anh em được vay vốn để tiếp tục trồng trọt, mà ngặt nỗi, tụi tôi toàn thuê đất để trồng, không có gì thế chấp để mà vay.

Theo tìm hiểu, một nguyên nhân khiến dưa mất giá là do bị “dội hàng” vì “đụng” những nơi khác đổ về. Anh Bùi Công Sơn, chủ vựa dưa ở ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An cho biết: “Ngoài nguồn dưa ở Đồng Tháp Mười, dưa mùa này còn bị cạnh tranh của dưa Ba Tri (tỉnh Bến Tre) và dưa của miền Trung đổ vào, chủ yếu là của Bình Định, Quảng Nam.

Chất lượng dưa ở những địa phương đó thì không ngọt như dưa Long An nhưng trái to, vỏ căng bóng, đặc biệt là giá rẻ hơn rất nhiều nên thương lái vẫn chuộng loại đó để hút khách”. Ngoài ra, dưa của nông dân xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh đợt này xuống giống trễ do không có đê bao, nước rút trễ ảnh hưởng đến thời gian trồng trọt nên kéo dài thời gian thu hoạch.

Biết “bệnh” nhưng chưa tìm ra cách chữa "điệp khúc" được mùa mất giá, được giá mất mùa mà nông dân là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cung nhiều hơn cầu thì nông dân lâm vào cảnh "tiêu điều", nông dân cũng chỉ biết cách “tự bơi” để vượt qua khó khăn và tiếp tục nuôi hy vọng vào những mùa sau,…


Có thể bạn quan tâm

Sân chơi lớn cho DN thủy sản Sân chơi lớn cho DN thủy sản

Thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng thủy sản ngày càng tăng cao, kèm theo đó là sự phát triển của ngành công nghiệp bán lẻ… là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản tăng doanh số bán hàng.

28/08/2015
Xây dựng thương hiệu vịt Đồng Tháp tầm nhìn chiến lược Xây dựng thương hiệu vịt Đồng Tháp tầm nhìn chiến lược

Để xây dựng và hoàn thiện chuỗi ngành hàng vịt, các chuyên gia đầu ngành đã đề xuất nhiều sáng kiến hay để phát triển ngành hàng, trong đó ý tưởng xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” được đánh giá là táo bạo, thu hút được sự quan tâm từ dư luận.

28/08/2015
Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao Phát triển đàn bò theo hướng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong chăn nuôi, huyện Phú Tân (An Giang) đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển đàn bò lai cao sản ở địa phương, góp phần giúp nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

28/08/2015
Lúa cháy - ngô khô do nắng hạn kéo dài Lúa cháy - ngô khô do nắng hạn kéo dài

Thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, trời không có mưa nên vùng không chủ động về nguồn nước như ở xã miền núi Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bị hạn nặng. Lúa cháy - ngô khô khiến vụ hè thu mùa có nguy cơ mất trắng.

28/08/2015
Hành rớt giá, nông dân gặp khó Hành rớt giá, nông dân gặp khó

Hiện nay, nhiều nông dân Thanh Bình (Đồng Tháp) bước vào thu hoạch hành trắng. Nhưng vụ này, cây hành lại rớt giá mạnh khiến nông dân điêu đứng.

28/08/2015