Đưa hàng Việt về nông thôn miền núi khi doanh nghiệp vào cuộc

Điểm bán hàng tại Võ Miếu luôn đông khách
“Mưa dầm thấm lâu”
Nhớ lại những ngày đầu mang hàng vào xã Võ Miếu để bán, bà Nguyễn Lệ Thủy- chủ cửa hàng thương mại xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm phân phối hàng hóa tại khu vực miền núi- cho hay, để đem hàng tới cho bà con, trước đây, khi chưa có các phương tiện giao thông hiện đại, bà và chồng từng phải gùi hàng trên lưng, “cõng” hàng vào xã.
Dần dần, khi cửa hàng phát triển, có thể mua ôtô để vận chuyển hàng, công việc bớt vất vả hơn.
Tuy nhiên, để đưa hàng vào các thôn, bản nằm sâu trong núi, nhân viên công ty vẫn phải dùng xe máy hoặc thậm chí đi bộ để đem hàng đến tận tay bà con.
Đem hàng vào đã khó, làm sao để bà con lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam còn khó hơn.
Do dân trí thấp, mức sống không cao, bà con ở đây thường lựa chọn hàng hóa dựa vào giá.
Bên cạnh đó, do nằm trên địa bàn một huyện là cửa ngõ giao thương của 3 tỉnh nên Võ Miếu đã từng được coi là “thủ phủ” của hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng Việt chính hãng khó cạnh tranh.
Để bà con ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng Việt, bà Thủy đã có cách truyền thông tương đối đặc biệt.
Bà Thủy chia sẻ: “Không như vùng đồng bằng hay thành phố, có thể sử dụng các phương tiện truyền thông như báo, đài, ở những thôn, bản xa xôi, phương thức duy nhất là truyền miệng”.
Tận dụng vị trí cửa hàng ở cạnh cây xăng, bà cho nhân viên của mình túc trực tại đó để mời người dân vào xem hàng và dùng thử.
Bên cạnh đó, chủ cửa hàng chính là người sử dụng trước và dùng uy tín của chính mình để cam kết sẽ bán hàng chất lượng tốt nhất.
“Mưa dầm thấm lâu”, từ chỗ còn e ngại, bà con xung quanh khu vực này đã tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng Việt.
Có những dịp đặc biệt như Trung thu, cửa hàng phải huy động 7- 8 người để bán hàng và đưa hàng vào các đại lý ở sâu trong các xã.
“Bà con miền núi dù dân trí thấp nhưng đã tin là họ sẽ trung thành với lựa chọn của mình” - bà Thủy chia sẻ.
Tương tự như bà Thủy, ông Nguyễn Đức Anh - Giám sát bán hàng Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) - cho biết, cách đây nhiều năm, để sản phẩm của công ty đến với bà con vùng sâu, miền núi, cán bộ công ty đã được giao “nằm vùng” tại những khu vực này với nhiệm vụ duy nhất là tìm hiểu nhu cầu thực sự của bà con, tuyên truyền trực tiếp để bà con hiểu và lựa chọn sản phẩm.
Ban đầu, nhân viên công ty phải tự đi đến những điểm đại lý nhỏ để tiếp thị.
Khu vực dễ dàng thì đi xe máy, vùng khó khăn hơn thì đi bộ.
Dần dần, những sản phẩm của công ty được gửi tại các cửa hàng nhỏ lẻ ngày nhiều lên.
Lúc này, nhân viên “nằm vùng” lại quay trở ra, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở những vùng khó khăn khác.
Chú trọng yếu tố giá
Đối với bất cứ địa bàn nào, giá là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Tại địa bàn nông thôn, miền núi, giá lại càng là yếu tố quan trọng hơn gấp bội.
Hiểu rõ vấn đề này, các doanh nghiệp luôn nỗ lực để có mức giá ưu đãi nhất cho các sản phẩm, hàng hóa phục vụ địa bàn nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Anh nhận xét, yếu tố quan trọng giúp các sản phẩm của công ty đứng vững ở địa bàn nông thôn, miền núi, bên cạnh việc bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng hóa phải có giá bán cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại.
Bên cạnh đó, công ty đã ký hợp đồng trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ để làm sao giảm tối đa chi phí.
Để hỗ trợ, giúp các sản phẩm có giá bán cạnh tranh, ông Phan Long Hoàng - quản lý siêu thị BK Mart (Bắc Kạn) - cho hay, một số mặt hàng đặc sản địa phương khi đưa vào bán trong siêu thị BK Mart sẽ được miễn phí tiền thuê quầy hàng trong thời gian đầu.
Đây chính là giải pháp hỗ trợ tích cực nhất giúp cho doanh nghiệp cung cấp hàng hóa có giá cả cạnh tranh đến với người tiêu dùng.
Sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ bảo đảm cung ứng hàng hóa có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả cạnh tranh, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng ở nông thôn, miền núi.
Có thể bạn quan tâm

Việc giảm giá này là hậu quả tất yếu khi mà người tiêu dùng e ngại với thịt lợn trước thông tin nhiều trang trại trong khu vực vẫn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Qua 2 năm đã có 10/13 tỉnh thành ở ĐBSCL xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp và ban hành kế hoạch hành động.

Ngày 11/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt vùng quy hoạch phát triển cao su xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn với diện tích 893 ha.

Đến nay toàn tỉnh Hòa Bình có 3.550 ha cây ăn quả có múi. Trong đó diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm 2015 là 750 ha. Tập trung nhiều nhất ở các huyện: Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn.
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố đặc sản này là một trong số 50 loại trái cây nổi tiếng và giá trị bậc nhất Việt Nam; năm 2013, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo vinh danh lọt vào top 10 loại trái cây ngon bậc nhất Việt Nam. Cây cam sành đã khẳng định được vị thế là cây trồng mũi nhọn mang lại cuộc sống ấm no, giàu có cho người dân.