Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đưa Cây Táo Trở Thành Cây Trồng Chủ Lực

Đưa Cây Táo Trở Thành Cây Trồng Chủ Lực
Ngày đăng: 11/03/2014

Huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hiện có tổng diện tích tự nhiên 34.234 ha, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp chiếm trên 28.100 ha.

Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, vài năm trở lại đây, ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh trồng nho, lúa giống, bắp lai giống, sản xuất rau an toàn, huyện Ninh Phước còn vận động bà con chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng táo.

Đây là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, nên được xem là "cây làm giàu" của người dân địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để mở hướng làm ăn mới cho nông dân, địa phương định hướng bà con chuyển đổi sang trồng thử nghiệm nhiều loại cây mới, trong đó cây táo được xem là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, thời gian đầu, loại táo mà bà con trồng là giống táo địa phương, trái nhỏ, cho năng suất, chất lượng không cao.

Vì thế, phải đến năm 2003, khi một số hộ dân đưa giống táo Thái Lan về trồng, nhiều hộ nông dân mới mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện đã phát triển diện tích cây táo lên trên 760 ha, chiếm khoảng 70% diện tích của tỉnh. Riêng trong năm 2013 sản lượng táo thu hoạch đạt 26.681 tấn, trong đó nhiều hộ gia đình đã có mức thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Ưu điểm của cây táo là kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chỉ sau một năm kể từ khi trồng là cây táo có thể cho thu hoạch. Tuổi thọ khai thác của cây táo lên đến trên 10 năm và cho thu hoạch đến 2 vụ/năm. Dựa vào lợi thế này, hiện trên địa bàn huyện Ninh Phước nhiều nông dân còn kết hợp phát triển trồng táo với chăn nuôi dê, cừu.

Cái hay của mô hình này là ngoài việc tận dụng lá và trái táo sâu bệnh làm thức ăn cho gia súc, phân của chúng còn được sử dụng bón lại cho cây táo, nên năng suất đạt rất cao, trung bình từ 60 – 70 tấn/ha/năm, cá biệt ở những nơi đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, thời thiết thuận lợi, năng suất có thể lên đến trên 100 tấn/ha.

Đưa chúng tôi đi xem vườn táo đang thời kỳ ra hoa, ông Nguyễn Bi ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận bộc bạch: Năm 2005, thấy một số bà con trong xã trồng cây táo cho năng suất cao, tôi cũng mạnh dạn chuyển 2,5 sào đất trồng nho của mình sang trồng táo, kết hợp nuôi thêm 12 con dê sinh sản. Nhờ đầu tư đúng hướng và chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn táo phát triển khá tốt, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 22 - 25 tấn. Với giá bán dao động từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng, nhờ đó gia đình đã xây được nhà, cuộc sống ngày một khá hơn.

Do lợi nhuận mang lại khá cao, nên hiện không chỉ có nông dân trong tỉnh mà một số địa phương lân cận như Bình Thuận, Khánh Hòa cũng đang đầu tư phát triển khá mạnh mô hình trồng táo. Tuy nhiên, theo các thương lái thì táo xanh Ninh Thuận người tiêu dùng ưa chuộng hơn và có giá bán cao hơn so với táo ở các vùng khác nhờ có vị ngọt thanh, giòn và thơm.

Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay người trồng táo ở tỉnh ta nói chung và huyện Ninh Phước nói riêng ngày càng có ý thức hơn trong quy trình chăm sóc cho ra sản phẩm táo sạch và cao hơn nữa là những trái táo đạt tiêu chuẩn VietGAP có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho hay: Để giúp nông dân trồng táo theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ, hiện nay Chi cục đang đầu tư mở rộng mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại một số địa phương trong tỉnh.

Riêng địa bàn huyện Ninh Phước, đơn vị đã triển khai để bà con áp dụng được gần 5ha, tập trung ở địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Vinh và An Hải. Mô hình này không chỉ giúp nông dân biết cách quản lý và đảm bảo an toàn nông sản của mình thông qua 4 tiêu chuẩn là kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, truy nguyên nguồn gốc, mà còn hỗ trợ người trồng một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.

Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây táo mạng lại, trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của địa phương, huyện Ninh Phước đã xác định đưa cây táo trở thành một trong năm loại cây trồng chính để đầu tư mở rộng vùng chuyên canh.

Đặc biệt, trước sự kiện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với táo Ninh Thuận, mới đây UBND huyện Ninh Phước đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình trồng táo theo hướng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học (cụ thể là mô hình sử dụng bẫy bã sinh học phòng trừ ruồi đục quả) vào sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015, đưa diện tích trồng táo theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP lên 260 ha, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả táo, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Gà Ri Lai Tại Thị Trấn Phong Châu Thu Lãi 12 - 13 Triệu Đồng Ở Phú Thọ Mô Hình Gà Ri Lai Tại Thị Trấn Phong Châu Thu Lãi 12 - 13 Triệu Đồng Ở Phú Thọ

Trạm khuyến nông huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa tổ chức tham quan đánh giá mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại thị trấn Phong Châu

30/11/2012
Nhân Giống Thành Công Hai Loài Cá Quý Hiếm Nhân Giống Thành Công Hai Loài Cá Quý Hiếm

Cá tràu tiến vua và cá rô Tổng Trường là hai loài cá quý hiếm đặc hữu của Ninh Bình. Chúng chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Nhưng hiện nay, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình đã thử nghiệm thành công việc nhân giống hai loài cá quý hiếm này, góp phần bảo tồn nguồn gen và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

29/09/2013
Nuôi Bò Thịt, Mô Hình Giảm Nghèo Ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) Nuôi Bò Thịt, Mô Hình Giảm Nghèo Ở Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Phát huy lợi thế của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuần nông, thời gian qua, nuôi bò thịt đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả được người dân huyện Hồng Ngự chú trọng.

28/05/2013
Thuỷ Sản Nuôi Tăng Giá Thuỷ Sản Nuôi Tăng Giá

Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá cá lóc nuôi mua tại ao đã tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg trong vòng hai tuần qua và đang ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ loại.

12/06/2013
Sâu Hồng Hại Bưởi Da Xanh, Nông Dân Chịu Thiệt Sâu Hồng Hại Bưởi Da Xanh, Nông Dân Chịu Thiệt

Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.

02/12/2012