Dưa Bở Mất Mùa, Mất Giá

Những ngày này, nông dân trồng dưa bở trên địa bàn huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đang hối hả bước vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên năng suất dưa giảm, giá cả cũng xuống thấp khiến bà con không khỏi lo lắng.
Chị Phạm Thị Hằng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn cho biết: Năm nay thời tiết bất lợi, mưa nhiều và hầu như không có nắng nên cây dưa sinh trưởng, phát triển chậm, năng suất, chất lượng giảm rõ rệt. Nếu như năm trước, 1 sào dưa bở cho năng suất 1-1,2 tấn thì năm nay chỉ đạt 2-5 tạ.
Đặc biệt, mấy ngày trước đây, trời thường xuyên có mưa, ruộng nào thoát nước không kịp, dưa bị úng ngập, thối hoặc nứt vỡ khá nhiều. Nhiều diện tích mới chỉ thu hoạch lứa đầu đã bắt đầu lụi dây, nông dân phải nhanh chóng thu vét.
Không chỉ đau đầu vì năng suất dưa giảm, nông dân trồng dưa huyện Gia Viễn còn rất buồn phiền vì giá thu mua xuống quá thấp, chỉ bằng một nửa so với trước. Thông thường trong sản xuất nông nghiệp, mất mùa thì được giá, tiêu thụ thuận lợi nhưng thực tế ở đây lại diễn ra ngược lại.
Mặc dù mới là đầu vụ nhưng hiện thương lái đang thu mua dưa bở tại ruộng với giá 3.000-3.500 đồng/kg loại 1, còn dưa loại 2, loại 3 giá chỉ từ 1.000-2.500 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với trung bình các năm trước.
Lý giải cho việc tiêu thụ dưa bở những ngày này gặp nhiều khó khăn, anh Phạm Xuân Khiêm, một thương lái chuyên thu mua dưa bở cất đi Hải Dương tiêu thụ cho biết: Thời tiết miền Bắc năm nay bất thường, đến đầu tháng 5 mà trời vẫn khá lạnh, trong khi đó dưa bở là một loại quả chỉ thích hợp khi ăn vào trời nắng, do vậy việc tiêu thụ chậm lại.
Như mọi năm, có ngày cao điểm anh Khiêm thu mua tới 25 tấn dưa nhưng năm nay một ngày anh chỉ tiêu thụ được chừng 5-6 tấn. Giá dưa bở thấp, tiêu thụ khó khăn, một số hộ nông dân đã đem dưa ra dọc hai bên đường ĐT 477 bán trực tiếp, thậm chí đi bán rong mong vớt vát lại phần nào vốn liếng, công sức đã bỏ ra.
Anh Nguyễn Văn Tuân, một nông dân trồng dưa chia sẻ: “Rẻ lắm chị ạ, 1 xe dưa đầy đi bán vất vả cả ngày cũng không thu nổi 1 trăm nghìn”. Theo anh Tuân, chưa bao giờ tiêu thụ dưa lại khó khăn như năm nay. Mọi năm khi vào vụ thu hoạch là xe tải lũ lượt kéo về cân dưa chuyển di nơi khác nhưng năm nay chỉ có vài xe mà thương lái lựa dưa kỹ lắm, ruộng nhà nào xấu họ chê không mua. Nông dân chúng tôi sốt ruột không biết làm cách nào đành tự chở dưa đi bán rong.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính vụ dưa bở năm nay, nông dân huyện Gia Viễn giao trồng hơn 150 ha, tập trung ở các xã Gia Phương, Gia Thắng, Gia Tiến… Tuy nhiên nông dân đang đứng trước mùa dưa “đắng” bởi nhiều diện tích dưa bị bệnh, thối hỏng. Nhiều ruộng dưa không đậu quả do ra hoa gặp thời tiết bất thường.
Ông Tạ Quang Huê, Phó Chủ nhiệm HTX Gia Phương, một trong những đơn vị có diện tích trồng dưa lớn nhất của huyện Gia Viễn cho biết: Dưa bở là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc.
Hạt giống tự sản xuất được, chỉ cần chọn quả chín già bổ lấy hạt phơi khô, bảo quản kỹ là sang năng hoàn toàn chủ động ươm trồng. Chi phí phân bón cho dưa cũng chỉ bằng một phần ba so với cây lúa. Nếu được mùa, người trồng dưa thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào. Chính vì vậy, những năm gần đây nông dân đổ xô trồng dưa đưa diện tích, sản lượng tăng cao.
Nhiều nông dân còn phá vỡ quy hoạch, đưa dưa xuống ruộng trũng để trồng. Tuy nhiên, do không lường trước được những khó khăn về thời tiết cũng như những bấp bênh của thị trường nên người trồng không có lãi.
Chúng tôi rất mong muốn, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng nhanh chóng tạo điều kiện xây dựng, quy hoạch vùng chuyên canh cho cây dưa bở từ đó có những đầu tư về cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết.
Trước mắt để khắc phục khó khăn, chúng tôi đang hướng dẫn bà con nông dân tập trung khơi thông dòng chảy, chăm sóc bảo vệ những diện tích dưa còn lại. Đối với những ruộng dưa không có khả năng khôi phục thì nhanh chóng thu vét, giải phóng đất chuyển sang trồng vụ mới.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, nhiều nông dân các tỉnh miền Tây đua nhau trồng giống ớt Demon theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc và trồng cây sương sáo, nay lâm vào cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông"...

Năm tháng đầu năm 2014, XK nông, lâm, thủy sản cả nước tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực lại tụt giảm nghiêm trọng.

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho nên đời sống của người dân xã Ðông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) ngày càng được cải thiện. Qua nghiên cứu, học hỏi các mô hình nuôi trồng thủy sản từ năm 2010 đến nay, một số hộ dân trong xã đã triển khai nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm.

Dù phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ở Đồng Tháp chưa lâu nhưng theo đánh giá từ các nhà chuyên môn thì nếu theo đuổi nghề, người nông dân sẽ bị “mất” nhiều hơn là “được”. Bởi đằng sau những lợi nhuận trước mắt là nhiều hệ lụy về môi trường cũng như phá vỡ cấu trúc quy hoạch vùng chuyên canh thủy sản của địa phương.

Bên cánh đồng thôn Bản Thẳm, chị Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn tay gặt, dù biết có người đang trò chuyện với mình... Sự mải miết ấy được chị giải thích một cách ấn tượng: “Chưa năm nào gia đình tôi lại được gặt lúa chín vào thời điểm này. Lúa chín sớm quá!. Không vui, không nhanh tay gặt làm sao được!”.