Dưa Bở Được Giá

Giá bán dao động từ 5000-7000 đ/kg, cao hơn năm ngoái từ 2000-3000 đ/kg, như vậy gần 1 mẫu ruộng trồng dưa bở cũng cho thu hoạch gần 50 triệu đồng cả vụ.
Thời điểm hiện nay, bà con nông dân ở xã Nhật Tiến, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch dưa bở với niềm vui được mùa, được giá.
Dưa bở là giống dưa truyền thống, dáng quả thuôn dài, khi chín vỏ nứt bung, thịt dưa cát mịn và thơm nức, khác hẳn với nhiều loại dưa bở giống mới hiện nay.
Cây dưa bở đã gắn bó với bà con nông dân xã Nhật Tiến từ rất lâu. Cùng với cây lúa, ngô, cây dưa bở cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân ở đây. Thông thường vụ dưa bở được trồng vào tháng 2 và đến tháng 5 dương lịch đã cho thu hoạch.
Nhưng năm nay do rét kéo dài nên người dân trồng muộn hơn. Với thời tiết nắng ráo, độ ẩm vừa phải cây dưa bở phát triển khá tốt, ra hoa là đậu quả chứ không bị rụng như những năm trước.
Đến xã Nhật Tiến, Hữu Lũng những ngày này, từ nhà dân đến cánh đồng, từ những con đường bê tông trong thôn ra đến đường trục chính, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của những quả dưa bở chín vàng.
Dưa vừa thu hoạch dưới ruộng lên, tư thương đã đánh cả ô tô vào thu mua. Ngoài ra, người dân tiếp tục thu hoạch và bán lẻ ngay trước cửa nhà. Chẳng thế mà thời điểm này, hai bên tỉnh lộ 242 đi qua xã toàn là những “cửa hàng” được dựng tạm để bán dưa.
Người mua kẻ bán tấp nập khiến cho nhịp sống ở đây vào mùa dưa như nhanh hơn, rộn ràng hơn. Chị Hoàng Thị Hiên, thôn Trại Điếm, xã Nhật Tiến vừa thu hoạch dưa bở, phấn khởi cho biết: “Năm nay dưa bở vừa được mùa lại được giá, gia đình tôi đã có một khoản thu khá.
Với gần 1 mẫu ruộng trồng dưa bở, với giá bán dao động từ 5000-7000 đ/kg, cao hơn năm ngoái từ 2000-3000 đ/kg như hiện nay, tính ra cả vụ, gia đình tôi cũng thu được gần 50 triệu đ”.
Hiện xã Nhật Tiến có khoảng 25ha dưa bở, với 70% số hộ trồng. Nếu như những năm đầu trồng dưa, người dân phải mang ra tận chợ thị trấn Hữu Lũng bán, thì chỉ vài vụ dưa sau, tư thương từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang…đã tìm về đến tận xã để thu mua. Lý do là chất lượng dưa ở đây rất tốt, được thị trường ưa chuộng.
Với năng suất trung bình 5 tạ/sào, mỗi sào dưa người nông dân ở đây có lãi khoảng hơn 7 triệu đồng, gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Có thể bạn quan tâm

Có nhiều loại thủy sản thương phẩm, thủy sản giống không rõ nguồn gốc được bày bán, lưu thông trên địa bàn Hà Nội đang là mối lo ngại của cả người nuôi trồng thủy sản (NTTS) và người tiêu dùng Thủ đô.

Ông Tu Thanh Hường (thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), từ lâu đã áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng “sinh học” và được đánh giá là khá thành công. Khởi đầu nuôi tôm cách đây hơn 10 năm, với 1,5 ha đầu tiên, hiện nay ông mạnh dạn đầu tư và tăng dần thêm diện tích hơn 7 ha.

Với giá thành đầu ra ổn định, nuôi cá sấu thương phẩm đang là một trong những mô hình tiêu biểu, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu.

Trong 6 tháng năm 2015, thời tiết tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm, cùng với các chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời nên sản xuất thuỷ sản trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp tục tăng khá. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 9.414,5 tấn, đạt 42,7% KH và tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực thủy sản năm 2015, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản BR-VT đã tiến hành triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7ha của Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.