Dưa Bở - Đặc Sản Phố Biển Cửa Lò (Nghệ An)

Về Nghi Hương -Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) mùa này nhìn những cánh đồng dưa xanh ngút ngát, chạy dài ven chân những đầm sen, cái oi bức của ngày hè như dịu lại.
Không giấu nổi niềm vui, ông Đặng Văn Quang - Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khối 11, phường Nghi Hương khoe với chúng tôi, đây là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất trên đất cát bạc màu của xóm, thu nhập 300 triệu đồng/ha là chắc ăn. Biết là thu nhập cao như vậy, nhưng trồng dưa không dễ và không phải đất nào cũng trồng được.
Cả phường Nghi Hương chỉ có vùng đất của 2 khối 10 và 11 là trồng được dưa, chính vì vậy diện tích trồng dưa chỉ giao động từ 6-7 ha. Đất trồng dưa phải là đất cát pha, nhưng phần cát phải nhiều hơn, cầm trên tay tơi vụn, mát lạnh. Cây dưa đòi hỏi có nước, nhưng lại không chịu được ngập úng.
Người dân chọn vùng đất ven hồ đầm hay chân ruộng trũng vùng này khí hậu điều hòa, hơi nước được cây hấp thu qua lá, đất giữ được độ ẩm thường xuyên, thích hợp nhất đối với loại dưa này. Khi hỏi về kỹ thuật chăm sóc loài dưa này, ông Quang lắc đầu, cho đó là bí quyết riêng của làng, ông không muốn chia sẻ.
Ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện như cây dưa chỉ trồng trong vùng đất của khối 10 và 11 là cho chất lượng thơm ngon “hoàn hảo”, chuyển sang vùng khác chỉ trồng được một mùa, sang vụ sau là ít quả, chất lượng kém hẳn. Giống dưa này tồn tại trên vùng đất Nghi Hương đã hàng trăm năm nay, cứ để giống truyền từ đời này sang đời khác.
Người trồng dưa có một “luật” bất thành văn là trước khi nhà mình ra giống, không được san sẻ cho người khác, nếu cho giống trước khi gieo trồng thì mùa vụ sẽ thất bát, không được như ý… Khi hỏi đến xuất xứ của giống dưa, ông Quang cho biết, theo ông bà truyền lại giống dưa này xuất xứ từ “nhà mát Cửa Lò”.
Trước đây bãi biển Cửa Lò được người Pháp khai thác xây dựng khu nghỉ mát, người dân ở quanh quen gọi là khu nhà mát. Người Tây đến đây nghỉ mang theo giống dưa này để ăn, và từ đó nó có mặt ở Cửa Lò. Tuy nhiên, hư thực thế nào vẫn chưa ai biết...
Trồng dưa không dễ, nhất là thời kỳ cây con, gặp mưa cây sẽ chết, có những năm phải trồng đi trồng lại 3-4 lần. Khi đã lớn, cây không chịu bất kỳ một loại thuốc kích thích hay bảo vệ thực vật nào, “nếu sử dụng thuốc kích thích hay thuốc BVTV thì chất lượng quả khi chín sẽ biến đổi.
Nếu có sâu chỉ trừ bằng phương pháp bắt thủ công, sâu nhiều quá bắt không xuể thì phải phá bỏ ruộng dưa. Dùng thuốc kích thích thì lúc chín dưa nẫu ngay tại ruộng. Cho nên dưa bở (dưa nứt) Cửa Lò là một sản phẩm sạch tuyệt đối” - ông Quang khẳng định với chúng tôi.
Mỗi năm người dân Nghi Hương - Cửa Lò sản xuất 2 vụ dưa: vụ xuân ra giống vào tháng Chạp thu hoạch vào tháng 3 âm lịch. Vụ hè xuống giống vào tháng 3 - thu hoạch vào tháng 6 âm lịch và là vụ chính của năm. Giữa mùa hè nóng nực, dưa bở là thứ quả giải khát thơm ngon, bổ dưỡng. Cái hay của giống dưa này lúc non là dưa gang dùng làm rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, lúc chín thành dưa bở.
Thường mỗi gốc dưa có 5-7 quả, chỉ chọn 2-3 quả to, gần với gốc để chín, số còn lại thu hái khi đang còn non để bán dưa gang. Dưa non mỗi sào cũng cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng/vụ. Vụ thu hoạch dưa chỉ kéo dài non tháng vào cao điểm nhất của mùa nắng nóng.
Trên khắp mọi nẻo quanh khu du lịch Cửa Lò, du khách được thưởng thức món dưa mát lạnh với hương thơm dịu. Cùng với biển xanh, cát trắng, hải sản tươi ngon, thì dưa bở Nghi Hương góp thêm vào sản vật Cửa Lò sự phong phú, ấn tượng.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu.

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.

Toàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 450 ha trồng sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã: Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Nhiều bà con nơi đây cho biết, trồng sả mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và nông dân hiện trồng xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa. Giá sả thương phẩm hiện tại được các thương lái từ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đến mua với giá 5.500 đồng/kg, lúc cao điểm giá lên tới 7.500 đồng/kg. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2 đất.