Du Lịch Ruộng Đồng

Thời gian qua, với chủ trương và chính sách hỗ trợ của TP, vùng nông nghiệp TPHCM không chỉ chuyển dịch theo hướng lựa chọn cây con có giá trị cao như rau an toàn, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh… mà còn được khuyến khích đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong nông nghiệp.
Nhờ đó, bên cạnh sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn xuất hiện một số dịch vụ mới trong nông nghiệp như các nhà vườn trái cây xã Trung An (Củ Chi) liên kết hình thành các điểm du lịch vườn, thu hút khá đông người dân các nơi đến vui chơi, giải trí và thưởng thức trái cây tại chỗ.
Hiện nay, dịch vụ đón tiếp các đoàn, tour du lịch đến các vùng sản xuất nông nghiệp được xem như một cuộc “trải nghiệm nhà nông” từ các buổi học tập dã ngoại, định hướng giáo dục của các trường học, hay là một điểm dừng chân mới của các tour du lịch ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đây là hướng phát triển khá mới mà TP khuyến khích để nâng cao tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp hơn nữa so với con số còn khá khiêm tốn hiện nay là 4,7%.
Điển hình cho hình thức “trải nghiệm nhà nông” còn khá mới mẻ là tại Trại Sản xuất giống Ánh Dương của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thỏ Việt, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Theo chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX, đầu tiên, HTX của chị chỉ là điểm đến mà các trường tiểu học nội thành đưa học sinh đi thực tế. Nhờ những chuyến đi dã ngoại về vùng sản xuất nông nghiệp, các em được ra tận cánh đồng đang trồng rau quả, giúp các em hình dung được công việc đồng áng.
Thời gian đầu, việc tham quan này đều miễn phí, nhưng khi số lượng đoàn đến khá nhiều, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn về cơ sở vật chất như xây nhà vệ sinh, nhà nghỉ, nước uống, đường đi cũng phải được tu sửa lại và phải có người hướng dẫn nên năm 2013, HTX Thỏ Việt bắt đầu thu phí để cả 2 bên đều cảm thấy hài lòng thay vì trở thành gánh nặng của HTX.
Giờ đây không chỉ có học sinh các trường cấp 1 mà còn có cả học sinh cấp 2 và 3 với lượng học sinh mỗi đợt có khi lên đến 300 - 500 em. Một số tour du lịch đã chọn nơi đây như một điểm dừng chân sau khi tham quan Khu Du lịch địa đạo Củ Chi.
Ngoài ra, nhiều đoàn thể thanh niên, hội phụ nữ… kể cả bà con tiểu thương cũng hào hứng tìm đến với điểm sản xuất nông nghiệp vốn dung dị nhưng giờ đây lại trở nên hấp dẫn và thú vị. Có thể xem đây là điều đáng mừng cho các vùng nông nghiệp tập trung của TP.
Thế nhưng, các điểm “du lịch” nông nghiệp này còn phải được hoàn chỉnh về cơ sở vật chất và con người trong việc đón tiếp, không thể tự phát, trong đó cần có sự góp ý, tư vấn chuyên môn từ ngành du lịch cho HTX hay nhà vườn để nuôi dưỡng loại hình dịch vụ mới này có thể phát triển căn cơ hơn, trở thành nguồn thu đáng kể bên cạnh nguồn thu từ việc sản xuất nông nghiệp. Bản thân các đoàn đến tham quan cũng cần phải được tư vấn trước. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết, có sự khác biệt rõ giữa du khách nước ngoài và trong nước.
Với người nước ngoài, việc giữ gìn vệ sinh chung rất tốt, không xả rác bừa bãi; nếu họ thích thú với cây trái nào đó, họ chỉ ngắm nhìn hoặc chụp hình để ghi lại hình ảnh đó, để người đến sau còn có điều kiện chiêm ngưỡng. Khách tham quan trong nước tự nhiên xả rác; họ thường hái hay bẻ bất cứ loại cây, trái (dù còn non), nụ hay bông hoa nào đó nếu thấy lạ mắt hoặc vừa ý.
Chị Ngọc kể, có lần, một đoàn khách trong nước là những người khá nổi tiếng, có một người đã lớn tuổi nhưng vẫn hái trái non và vô tư khoe như là chiến tích khiến người làm vườn buồn và xót xa vì khách chưa biết trân trọng công lao của người làm nông nghiệp vốn vất vả một nắng hai sương.
Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi dừng NK nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi từ Mỹ và EU và Canada, Nga đang chuyển hướng mở cửa NK nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam (VN). Đây là cơ hội lớn cho XK nông sản nước ta, đặc biệt với ngành chăn nuôi vốn đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Mối liên kết SX, tiêu thụ lúa hàng hóa giữa DNTN Thành Khiêm (TP Rạch Giá, Kiên Giang) và HTX Nông nghiệp 41 (xã Phi Thông, TP Rạch Giá) đến nay đã được hơn 5 năm và diện tích ngày càng mở rộng. Mối liên kết này bắt đầu được thực hiện từ vụ ĐX 2008-2009, với diện tích thí điểm ban đầu là 10 ha, với 7 xã viên tham gia.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) trong 9 tháng đạt 2.695 tấn, trong đó khai thác 1.469 tấn (khai thác biển 1.212 tấn, nước lợ 135 tấn và nước ngọt 122 tấn), sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng thủy sản 1.226 tấn.

Ngày 14-10, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền các xã Vinh Giang, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) cùng Chi hội nghề cá Giang Xuân (xã Vinh Giang), Chi hội nghề cá Vinh Hiền (xã Vinh Hiền) tổ chức Lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản và thả cá giống ở khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Trong nhiều năm gần đây, tình hình dịch bệnh đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh diễn ra hết sức phức tạp, mặc dù ngành chức năng tích cực lấy mẫu xét nghiệm, đưa ra khuyến cáo đối với người nuôi để giảm bớt thiệt hại song các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay còn gặp không ít khó khăn.