Dù Giá Tăng, Người Chăn Nuôi Nói Vẫn Lỗ

Mặc dù giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng nhẹ trong hơn 1 tháng qua nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội, cho hay giá heo loại 1 bán tại HTX dao động từ 40.000 đến 41.000 đồng/kg, cao hơn so với mức đáy vài tháng trước khoảng 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá bán này, nông dân vẫn lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Ông Chiến cho hay, tình trạng thua lỗ của nông dân diễn ra từ giữa năm 2012 và kéo dài tới bây giờ đã khiến cho kinh tế của nông dân trong HTX ngày càng kệt quệ, họ phải bán đất, vay ngân hàng và nay không còn khả năng trả nợ.
“Chúng tôi đã cố hết sức cầm cự rồi, nhưng nếu thị trường không khả quan thì sẽ rất nhiều hộ nông dân tại HTX không còn khả năng tái đàn” – ông Chiến bức xúc.
Ông Nguyễn Đình Thành ở Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội, chủ của một trang trại gà thịt trên 3.000 con, nói rằng giá gà xuất chuồng đang được thu mua với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi kí lô gà người chăn nuôi đang chịu lỗ 2.000 - 3.000 đồng.
Ông Thành giải thích, nuôi gà từ khi bóc trứng tới khi xuất chuồng, tính tổng cộng chi phí từ thức ăn, giống, phí đầu tư chuồng trại... giá gà bán ra thấp nhất phải 28.000 đồng/kg mới hòa vốn. Vì thế, với số gà 500 con xuất chuồng thời điểm này anh đang lỗ nặng.
Ông Chiến cho hay, số hộ trong HTX nuôi gia công cho công ty nước ngoài chiếm 60%. Những hộ này ổn định hơn so với những hộ khác vì được bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, theo ông Chiến, các hộ này gần như đang làm không công cho các công ty nước ngoài.
“Về lâu dài, nếu nhà nước không có một chính sách thích đáng thì ngành chăn nuôi sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài và chúng ta sẽ phụ thuộc họ cả về chi phí đầu vào lẫn giá cả đầu ra” – ông Chiến lo ngại.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 của ngành chăn nuôi diễn ra ngày 3-7, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay, 6 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất về tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Dương lại cho rằng: “hiện ngành chăn nuôi đang dần ổn định trở lại, giá đang tăng và người chăn nuôi đang có lãi” và ông hy vọng “đến cuối năm ngành chăn nuôi sẽ không thiếu thịt”. Đồng thời ông cũng cho rằng “chưa bao giờ chúng ta (ngành chăn nuôi) làm tốt như 6 tháng qua”.
Theo ông Dương, trong tháng 7 này, Cục chăn nuôi sẽ hoàn tất một số đề án lớn để trình lên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, bao gồm đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đề án phát triển thụ tinh nhân tạo, đề án nâng cao năng lực quản lý giống vật nuôi và các chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ.
Cục Chăn nuôi cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thịt các loại sản xuất trong nước đạt 2,62 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thịt heo hơi đạt 1,94 triệu tấn (chiếm 74%), thịt gia cầm hơi đạt 439.200 tấn (chiếm 16%), thịt trâu, bò hơi đạt 230.000 tấn (chiếm 9%). Theo Cục Chăn nuôi, do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên đàn heo, gia cầm chỉ tăng nhẹ trong khi đàn trâu, bò giảm. Cụ thể, hiện đàn heo cả nước đạt 26,9 triệu con (tăng 1,08%), đàn gia cầm đạt 314 triệu con (tăng 1,17%).
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Văn Cang, ngụ xã Tân Hội Đông (Châu Thành) được tiếng khen cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lục mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.

Các địa phương miền núi xác định phát triển kinh tế rừng đóng vai trò then chốt, tạo ra đòn bẩy để giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, dấu ấn phát triển kinh tế rừng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đất đai và bộc lộ một số bất lợi cần khắc phục.

Nhà máy sản xuất kêu khó khăn, lỗ; các siêu thị, cửa hàng bán lẻ kêu lãi không đáng kể; trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua giá cao hơn nhiều nước trong khu vực, vậy vấn đề nằm ở đâu?

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 39 nghìn ha lúa, trong đó diện tích lúa mùa sớm chiếm khoảng 60%. Hiện nay, lúa mùa sớm đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp, lúa mùa trung giai đoạn làm đòng- trỗ bông, lúa mùa muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh.

Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.