Dự án tưới Phan Rí Phan Thiết món quà cho Bình Thuận

Bình Thuận là một trong số ít tỉnh khô hạn nhất với lượng mưa hằng năm khoảng 800 - 1.000 mm, khu vực phía bắc tỉnh (các huyện Tuy Phong, Bắc Bình) hạn hán xảy ra thường xuyên, SX nông nghiệp khó khăn, thu nhập của người nông dân thấp.
Diện tích được tưới khoảng 70.000 ha, chỉ chiếm 30% tổng diện tích canh tác.
Tuy là tỉnh khô hạn, nhưng tiềm năng đất đai của Bình Thuận rất lớn, nguồn nước trong và ngoài lưu vực của tỉnh khá dồi dào cần được khai thác để phát triển SXNN.
Địa điểm dự án nằm trên 8 xã thuộc huyện Bắc Bình (thị trấn Lương Sơn, các xã Sông Lũy, Sông Bình, Phan Lâm, Bình An, Hải Ninh, Hồng Thái và Phan Thanh), là nơi có khoảng 92% lực lượng lao động là nông dân, việc mở rộng SXNN và tăng thu nhập cho bà con là một nhu cầu bức thiết.
Đặc biệt sau khi NM thuỷ điện Đại Ninh hoàn thành, phát điện và xả nước xuống hạ lưu với lưu lượng 25 m3/s, để sử dụng hiệu quả nguồn nước xả quý giá này, rất cần thiết có dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết.
Xuất phát từ đó, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản cho vay vốn Ngân hàng Hải ngoại Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC, nay là JICA) thực hiện dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết giai đoạn 1.
Mục tiêu đầu tư xây dựng công trình là cấp nước tưới cho 15.700 ha đất canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí (diện tích trồng bông 10.100 ha, lúa 2.730 ha, màu và cây ăn quả 2.870 ha), trong đó tưới trực tiếp cho 10.500 ha và tạo nguồn cho 5.200 ha (gồm 4.000 ha khu Cà Giây – Đá Giá và 1.200 ha khu Đồng Mới);
Xây dựng một số vùng định cư mới phục vụ việc chuyển dân từ các nơi khác đến; Cấp nước cho dân sinh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực.
Cơ quan chủ quản đầu tư dự án là Bộ NN- PTNT, trong đó BQL Trung ương các dự án Thủy lợi (viết tắt là CPO), BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 (viết tắt là Ban 7); Sở NN- PTNT Bình Thuận được phân công làm chủ đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án.
Chủ đầu tư hợp phần đền bù GPMB do UBND tỉnh quyết định.
Tổng đầu tư cho dự án (giá quý IV/2009) là 1.547.233.595.000 đồng, gồm vốn vay JBIC, vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 2/2009 đến nay đã hoàn thành.
Hiện toàn bộ các hạng mục đã bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả tốt, trong đợt hạn đầu năm 2015 tại các tỉnh Nam Trung bộ, hệ thống công trình mới đã đảm bảo cấp đủ nước cho vùng dự án.
Năng lực thiết kế của dự án là xây dựng khu tưới trực tiếp 10.500 ha (phần dự án gốc); thiết kế bổ sung dự án kênh Nha Mưng - Chà Vầu và Úy Thay Đá Giá tưới 3.650 ha (nguồn vốn kết dư).
Người nông dân trong vùng dự án như được hồi sinh, có cơ hội nâng cao thu nhập, bỏ lại phía sau đói nghèo tiến lên giàu có.
Đây là một thành quả hết sức to lớn và có ý nghĩa về kinh tế, xã hội mà dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết đã mang đến cho một tỉnh khô hạn và còn nhiều gian khó như Bình Thuận.
Đến nay dự án đã hoàn thành, phần kênh cấp 3, kênh nội đồng được đầu tư từ dự án và địa phương đã phát huy tưới 6.735 ha; trong đó phần dự án gốc, diện tích tưới 3.135/10.500 ha; phần vốn kết dư kiên cố hóa kênh Nha Mưng - Chà Vầu và Úy Thay - Đá Giá tưới 3.650 ha.
Hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại đã rõ ràng.
Công trình hoàn thành giúp chủ động tưới, tiêu cho diện tích canh tác thuộc đồng bằng Phan Rí, từ đó tăng năng suất sản lượng cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Dự án cũng góp phần xây dựng một số vùng định cư mới phục vụ cho việc chuyển dân từ nơi khác đến, tăng số hộ gia đình được hưởng lợi của diện tích canh tác có tưới.
Cấp nước phục vụ dân sinh, tăng diện tích khai hoang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, tăng hệ số quay vòng sử dụng đất.
Cải thiện môi trường, giảm hạn hán, phát triển diện tích canh tác và diện tích cây trồng, chống xói mòn.
Cùng với dự án Tưới Phan Rí – Phan Thiết giai đoạn I, nhằm xây dựng hệ thống mô hình phát triển nông nghiệp có tưới và nhân rộng mô hình cho vùng dự án, Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận thực hiện Dự án hợp tác phát triển nông nghiệp vùng tưới Phan Rí – Phan Thiết, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản không hoàn lại.
Dự án từ tháng 4/2011 đến tháng 4/2014, tổng mức đầu tư là 1.790.000 USD.
Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, giai đoạn I đưa vào sử dụng đã mang theo dòng nước mát, dồi dào lấy từ NM thủy điện Đại Ninh, qua các con kênh trải dài trên khắp các thôn, xã của huyện Bắc Bình, góp phần hình thành nhiều khu tưới mới.
Từ đây, những vùng đất hoang hóa, bỏ không ngày nào đã biến thành những cánh đồng lúa vàng thơm ngát, những vườn thanh long trĩu nặng hoa trái đong đầy, những bãi chăn thả gia súc khô cằn nay cỏ lên xanh mướt…
Với thành quả đạt được giai đoạn I, tỉnh Bình Thuận rất mong muốn Chính phủ và Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai Dự án tưới Phan Rí -Phan Thiết giai đoạn II, đầu tư xây dựng hồ chứa nước Sông Lũy để cung cấp nước tưới cho hơn 47.000 ha đất canh tác của các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, tạo điều kiện phát triển bền vững, lâu dài cho khu vực phía Bắc của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 26-29/6/2013, tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trường Cao đẳng Thủy sản tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá sủ đất cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông cấp tỉnh. Học viên đến từ các tỉnh/thành phố có lợi thế phát triển về ngư nghiệp như: Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa.

Trong những năm qua, một số gia đình giàu lên nhờ nuôi con đặc sản đúng thời điểm. Thế nhưng, thời gian gần đây, khi con đặc sản được nuôi với số lượng nhiều, thị trường tiêu thụ giảm đã khiến cho không ít hộ gia đình phải chịu cảnh ế ẩm, thua lỗ nặng nề…

Với ý chí và lòng quyết tâm của chàng trai trẻ Dương Quốc Trung, 33 tuổi ở tiểu khu Thạch Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang và là người duy nhất nuôi “rắn độc” ở huyện Đà Bắc. Mỗi năm anh xuất bán 3 tạ rắn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng nhẹ trong hơn 1 tháng qua nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với tình trạng càng nuôi càng lỗ.

Ông Lê Hồng Duyên ở thôn Bồng Lai (Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đang trở thành một “địa chỉ cầu nối ”cho người nông dân quanh vùng đến trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sữa, đầu tư trang bị máy vắt sữa, hợp tác tiêu thụ ổn định, lâu dài sản phẩm sữa bò tươi.