Dự Án Trồng Thí Điểm Cà Phê Ở Tủa Chùa Thất Bại Nhìn Thấy

Dự án trồng thí điểm cây cà phê ở huyện Tủa Chùa (Điện Biên) được triển khai từ tháng 4/2012, bằng nguồn vốn Danida (Đan Mạch) với tổng số vốn hơn 91 triệu đồng. Cà phê được trồng thí điểm trên diện tích 2,9ha của bản Huổi Lực I, II, xã Mường Báng. Khi tiến hành triển khai dự án, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho người dân; đồng thời cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân đào hố, bón vôi, bón phân và trồng cây.
Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm triển khai trồng thí điểm, dự án được đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đánh giá không đạt yêu cầu do có đến 30% diện tích cà phê trồng thí điểm bị chết, diện tích cây cà phê còn sống phát triển chậm.
Anh Mùa A Sánh, cán bộ khuyến nông xã Mường Báng theo dõi sự phát triển của cây cà phê trồng thí điểm tại bản Huổi lực, xã Mường Báng.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, ông Đỗ Xuân Huấn, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Mặc dù người dân đã được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê nhưng do trình độ và kinh nghiệm còn hạn chế nên việc chăm sóc cà phê chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, người dân chưa thực sự nỗ lực trong việc đầu tư công sức chăm bón cho cây cà phê. Trong khi đó, một số cây giống trồng khi còn non cộng với thời tiết khô hạn thiếu nước tưới cho cây, người dân lại tận dụng trồng xen kẽ một số loại cây trồng khác vào diện tích cà phê như: chuối, ngô… làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây cà phê. Ngoài ra, một phần diện tích đất trồng thí điểm cà phê là đất bạc màu không thuận lợi cho sự phát triển cây cà phê; người dân chăn nuôi gia súc thả rông cũng phá hoại cây cà phê.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi được anh Mùa A Sánh, cán bộ khuyến nông xã Mường Báng dẫn đến gặp một số gia đình có diện tích cà phê trồng thí điểm ở bản Huổi Lực I, xã Mường Báng. Dẫn chúng tôi ra thăm diện tích cà phê trồng thí điểm của gia đình mình, anh Lò Văn Thợi cho biết: đầu năm 2012, gia đình anh trồng thí điểm cà phê trên diện tích 2.000m2 nhưng đến cuối năm diện tích cà phê của gia đình anh bị chết mất một nửa. Nguyên nhân là do gia đình anh bón phân cho cà phê không đúng kỹ thuật, diện tích cà phê còn lại phát triển rất chậm. Ngay cạnh diện tích cà phê của gia đình anh Thợi là 3.000m2 cà phê của gia đình anh Lò Văn Phắn cũng đã có nhiều cây bị chết và phát triển chậm do một số cây giống được trồng khi còn non cộng với thời tiết khô hạn nên thiếu nước.
Nhằm giúp người dân khắc phục diện tích cà phê bị chết, vào tháng 6 vừa qua, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã cấp 5.000 cây giống cà phê để trồng thay thế. Đồng thời, Phòng tiếp tục cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân tích cực đầu tư, chăm sóc cho cây cà phê. Song để dự án trồng thí điểm cà phê ở Tủa Chùa thực sự hiệu quả, đòi hỏi Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện và người dân huyện Tủa Chùa sớm có biện pháp khắc phục tình trạng cà phê bị chết đồng thời đầu tư chăm sóc tích cực hơn nữa cho cây cà phê. Ý thức chăm sóc và bảo vệ cây cà phê của người dân cần được nâng cao nếu không việc thất bại trong việc trồng thí điểm cà phê ở huyện Tủa Chùa là không thể tránh khỏi.
Có thể bạn quan tâm

Vi rút cúm A/H5N1 tồn tại trong đàn thủy cầm dưới dạng lành mang trùng, bùng phát khi có điều kiện thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 10 ổ dịch với 24.257 con gia cầm mắc bệnh cúm ở các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn và TX Bình Minh, trong đó có 2 ổ dịch đã qua 21 ngày.

Trang trại Phong Thúy và 6 trang trại “vệ tinh” ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã “Việt hóa” thành công công nghệ chăm sóc cà chua từ châu Âu và châu Úc, đạt giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Rau VietGAP Thuận Nghĩa xuất hiện trên thị trường tỉnh Bình Định từ năm 2011. Đây là sản phẩm của 3 nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn).

Như Dân Việt đã phản ánh, từ khoảng đầu tháng 2 vừa qua, tại khu vực hồ chứa Nước Trong, nằm trên địa bàn 2 xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà và xã Trà Thọ, huyện Tây Trà xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, với số lượng ước tính hàng tấn, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống hàng chục hộ dân trong vùng.

Ngày 4.3, Chi cục Thuỷ sản TP.Đà Nẵng cho hay: Chuyến đi biển đầu tiên sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ngư dân của thành phố đã trúng đậm khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.