Dự Án Heifer Giúp Nông Dân Phát Triển Kinh Tế

Năm 2009, huyện Tháp Mười được chương trình Heifer Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện Dự án nâng cao đời sống nông hộ với mô hình phát triển cộng đồng (gọi tắt là Dự án Heifer) tại 2 xã Láng Biển và Mỹ Hòa. Dự án đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Tham gia Dự án có hơn 180 hộ dân của 2 xã được mượn trên 260 con bò và heo giống. Các hộ này mượn bò hoặc heo giống hậu bị ban đầu để nuôi cho đến khi sinh sản lứa đầu tiên thì chuyển giao cho hộ mới tại địa phương. Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện chăn nuôi vươn lên ổn định cuộc sống. Cô Trần Thị Ánh Nguyệt ở ấp 3, xã Láng Biển là một trong những hộ được tham gia Dự án Heifer.
Cô Nguyệt cho biết: “Cuối năm 2009, tôi được mượn một con bò giống. Nhờ chăm sóc tốt, năm sau bò giống sinh được một con nghé cái. Sau đó, tôi chuyển giao bò giống cho hộ khác ở địa phương. Đến nay, đàn bò của tôi phát triển lên 3 con, trị giá trên 60 triệu đồng.
Giờ đây, kinh tế gia đình tôi đã khá ổn định”. Cũng như cô Nguyệt, hộ chị Ngô Thị Nga ở ấp 2, xã Láng Biển và chú Lê Văn Trị ở ấp 4, xã Mỹ Hòa được mượn gia súc từ Dự án Heifer, cảm thấy rất phấn khởi vì kinh tế gia đình đã phát triển hơn trước nhiều.
Bên cạnh việc cho mượn con giống, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, Dự án Heifer còn cho các hộ này vay vốn sản xuất nhỏ, sửa chữa chuồng trại, làm hầm biogas... Ở xã Láng Biển thành lập được 6 Tổ tương trợ (thành viên là những hộ tham gia Dự án) nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăn nuôi; góp quỹ tiết kiệm...
“Tổ tương trợ ở ấp 3 có 25 người, hàng tháng các thành viên góp quỹ tiết kiệm. Số tiền này sẽ cho thành viên trong tổ vay với lãi suất thấp để phục vụ cho việc chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Qua đây, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các hộ dân cũng thắt chặt hơn. Đến nay, quỹ tiết kiệm của Tổ tương trợ ở ấp 3 được hơn 20 triệu đồng” - Cô Trần Thị Ánh Nguyệt (Tổ trưởng Tổ tương trợ ấp 3) cho hay.
Ban Quản lý Dự án Heifer ở các xã cũng thường xuyên họp và phân công cán bộ thú y xã phụ trách theo dõi, giúp đỡ các hộ chăn nuôi về kỹ thuật đồng thời đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc chuyển giao con giống.
Ông Lê Văn Thanh - Cán bộ thú y phụ trách Dự án Heifer tại xã Láng Biển cho biết: “Lúc mới chuyển giao Dự án, địa phương phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi bò, heo. Dự án đã góp phần giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, cất được nhà, mua được xe, cải thiện đời sống. Từ khi tham gia dự án đến nay, trung bình mỗi ấp có hơn 10 hộ dân thoát nghèo”.
Qua 5 năm thực hiện dự án Heifer tại xã Láng Biển và Mỹ Hòa đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số khó khăn như công tác quản lý chưa chặt chẽ; một số hộ nuôi chưa ý thức cao trong việc chuyển giao con giống, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Vì vậy để duy trì và phát huy hiệu quả của Dự án, trong thời gian tới Ban quản lý Dự án Heifer huyện Tháp Mười tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, tăng cường quản lý việc chuyển giao gia súc, đồng thời tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi duy trì đàn bò và heo.
Có thể bạn quan tâm

Được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II Miền Nam hỗ trợ 1.000 con cá tra giống bố mẹ để thực hiện chương trình cải thiện di truyền đàn cá tra địa phương, sau thời gian nuôi, anh Đặng Văn Thoại ở xã Tân Phước (Lai Vung - Đồng Tháp) đã cho ra những mẻ cá tra bột đầu tiên.

Dự án Phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống triển khai tại 2 xã Minh Sơn và Đà Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã mang lại hiệu quả cao gấp 4-5 lần phương pháp truyền thống.

Theo Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu, có đến 50% mẫu thuốc thủy sản được kiểm tra từ đầu năm đến nay không đảm bảo chất lượng.

Giá tôm thẻ chân trắng năm 2013 tại ĐBSCL, đặc biệt ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… chạm mốc kỷ lục 200.000 đ/kg. Người nuôi tôm lời hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 tháng thả nuôi. Con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” con tôm sú về năng suất, sản lượng.

Mục tiêu của Dự án là cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò thịt tại Bến Tre nhằm đưa cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao từ 3% (năm 2010) lên 15% (năm 2015), góp phần làm thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành sản xuất chăn nuôi bò thịt.