Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dự Án Heifer Giúp Nông Dân Phát Triển Kinh Tế

Dự Án Heifer Giúp Nông Dân Phát Triển Kinh Tế
Ngày đăng: 10/06/2014

Năm 2009, huyện Tháp Mười được chương trình Heifer Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện Dự án nâng cao đời sống nông hộ với mô hình phát triển cộng đồng (gọi tắt là Dự án Heifer) tại 2 xã Láng Biển và Mỹ Hòa. Dự án đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tham gia Dự án có hơn 180 hộ dân của 2 xã được mượn trên 260 con bò và heo giống. Các hộ này mượn bò hoặc heo giống hậu bị ban đầu để nuôi cho đến khi sinh sản lứa đầu tiên thì chuyển giao cho hộ mới tại địa phương. Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện chăn nuôi vươn lên ổn định cuộc sống. Cô Trần Thị Ánh Nguyệt ở ấp 3, xã Láng Biển là một trong những hộ được tham gia Dự án Heifer.

Cô Nguyệt cho biết: “Cuối năm 2009, tôi được mượn một con bò giống. Nhờ chăm sóc tốt, năm sau bò giống sinh được một con nghé cái. Sau đó, tôi chuyển giao bò giống cho hộ khác ở địa phương. Đến nay, đàn bò của tôi phát triển lên 3 con, trị giá trên 60 triệu đồng.

Giờ đây, kinh tế gia đình tôi đã khá ổn định”. Cũng như cô Nguyệt, hộ chị Ngô Thị Nga ở ấp 2, xã Láng Biển và chú Lê Văn Trị ở ấp 4, xã Mỹ Hòa được mượn gia súc từ Dự án Heifer, cảm thấy rất phấn khởi vì kinh tế gia đình đã phát triển hơn trước nhiều.

Bên cạnh việc cho mượn con giống, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, Dự án Heifer còn cho các hộ này vay vốn sản xuất nhỏ, sửa chữa chuồng trại, làm hầm biogas... Ở xã Láng Biển thành lập được 6 Tổ tương trợ (thành viên là những hộ tham gia Dự án) nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăn nuôi; góp quỹ tiết kiệm...

“Tổ tương trợ ở ấp 3 có 25 người, hàng tháng các thành viên góp quỹ tiết kiệm. Số tiền này sẽ cho thành viên trong tổ vay với lãi suất thấp để phục vụ cho việc chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Qua đây, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các hộ dân cũng thắt chặt hơn. Đến nay, quỹ tiết kiệm của Tổ tương trợ ở ấp 3 được hơn 20 triệu đồng” - Cô Trần Thị Ánh Nguyệt (Tổ trưởng Tổ tương trợ ấp 3) cho hay.

Ban Quản lý Dự án Heifer ở các xã cũng thường xuyên họp và phân công cán bộ thú y xã phụ trách theo dõi, giúp đỡ các hộ chăn nuôi về kỹ thuật đồng thời đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc chuyển giao con giống.

Ông Lê Văn Thanh - Cán bộ thú y phụ trách Dự án Heifer tại xã Láng Biển cho biết: “Lúc mới chuyển giao Dự án, địa phương phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi bò, heo. Dự án đã góp phần giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, cất được nhà, mua được xe, cải thiện đời sống. Từ khi tham gia dự án đến nay, trung bình mỗi ấp có hơn 10 hộ dân thoát nghèo”.

Qua 5 năm thực hiện dự án Heifer tại xã Láng Biển và Mỹ Hòa đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số khó khăn như công tác quản lý chưa chặt chẽ; một số hộ nuôi chưa ý thức cao trong việc chuyển giao con giống, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Vì vậy để duy trì và phát huy hiệu quả của Dự án, trong thời gian tới Ban quản lý Dự án Heifer huyện Tháp Mười tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, tăng cường quản lý việc chuyển giao gia súc, đồng thời tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi duy trì đàn bò và heo.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Nuôi Động Vật Hoang Dã Làm Giàu Từ Nuôi Động Vật Hoang Dã

Sau những lần thất bại với mô hình nuôi thỏ, anh Huỳnh Chí Công (34 tuổi), ngụ tại xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM lân la khắp các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ tìm kiếm mô hình chăn nuôi phù hợp với nghề nông của mình. Và mô hình nuôi rắn ráo trâu được anh lựa chọn để phát triển thành trang trại như ngày nay.

07/05/2012
Cứu Tinh Thời Lam Lũ Cứu Tinh Thời Lam Lũ

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hơn 4 triệu “dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ” bởi cả tỉnh thiếu lương thực trầm trọng. Ruộng đồng manh mún, cộng với khí hậu thời tiết khắc nghiệt khiến người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất” mà chẳng đủ ăn. Từ trong khốn khó ấy, vụ hè thu ra đời đã trở thành cứu tinh cho cả xứ Nghệ

04/09/2011
Vườn Bí Ngô Cho Trái Khổng Lồ Vườn Bí Ngô Cho Trái Khổng Lồ

Ông Phan cho biết, một lần tình cờ lên mạng ông đọc được thông tin có nông dân ở Mỹ trồng được những quả bí ngô khổng lồ mà từ trước đến nay ông chưa bao giờ thấy. Ông tìm cách liên lạc với những người bạn đang sinh sống bên Mỹ nhờ mua bằng được giống bí ngô này đem về Đà Lạt trồng thử

04/09/2011
Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Lúa ? Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Lúa ?

Trước sức ép về đô thị hóa và phát triển các khu công nghiệp đã làm diện tích đất lúa ngày càng bị thu hẹp. Vậy làm gì để giữ ổn định đất trồng lúa? Phóng viên báo Nông Nghiệp Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương về vấn đề này.

10/05/2012
Việt Nam Đã Xuất 5,3 Triệu Tấn Gạo Việt Nam Đã Xuất 5,3 Triệu Tấn Gạo

Cuộc họp lần thứ 7 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã vạch ra năm giải pháp chủ yếu được thực hiện trong khoảng thời gian 2012-12 để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu gạo như nâng cao chất lượng gạo, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, kết nối sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo quản lý

12/09/2011