Đồng Văn Chủ Động Phòng, Chống Đói, Rét Cho Gia Súc

Nhận định mùa Đông năm nay, thời tiết, khí hậu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với các hiện tượng như: sương muối, băng tuyết... gây khó khăn trong việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gây thiệt hại nặng nhất là ở các xã vùng núi đá cao như Lũng Cú, Lũng Táo, Phố Bảng.
Vì thế, năm nay huyện Đồng Văn đã chủ động đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngay từ đầu mùa Đông như: Triển khai kế hoạch phòng, chống đói, rét cho gia súc đến các xã, thị trấn để chính quyền địa phương cùng vào cuộc với người dân. Theo đó, cán bộ xã đến từng gia đình kiểm tra về điều kiện chống rét như: Chuồng trại, dự trữ thức ăn...
Huy động các đoàn thể, cán bộ, nhân dân đóng góp công sức giúp đỡ các hộ khó khăn che chắn, làm mới chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc; đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc gia súc trong mùa Đông.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, để đảm bảo gia súc không bị chết rét các xã cho các hộ dân ký cam kết với UBND xã, thị trấn về việc thực hiện nghiêm ngặt quy định không cho trâu, bò cày, kéo hoặc chăn thả trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C và không hỗ trợ các hộ không chấp hành; chỉ những hộ thực hiện tốt các biện pháp nhưng vẫn bị thiệt hại mới được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo còn thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời thông báo cho nhân dân về các hiện tượng thời tiết bất thường.
Đề cập đến vấn đề phòng, chống đói, rét cho gia súc; Phó phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Văn Thạch, nhấn mạnh: Người dân cần lưu ý chuẩn bị đủ thức ăn cho gia súc, thực hiện che chắn chuồng trại, chăn thả hợp lý; quan tâm đến trâu, bò già và con non dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Các xã cũng cần vận động nhân dân làm tốt việc thu hoạch diện tích cỏ, các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ khô, thân, lá, vỏ ngô... để chế biến, dự trữ bằng các phương pháp phơi khô hoặc ủ chua.
Đảm bảo mỗi con trâu, bò có từ 1 – 1,2 tấn thức ăn xanh, 30 – 50 kg bột ngô, sắn, cám, gạo trong vụ Đông – xuân. Trong những ngày rét đậm cần cho gia súc ăn đầy đủ thức ăn thô xanh và bổ sung thêm thức ăn tinh, muối ăn; đốt cỏ, chấu giữ ấm cho gia súc. Hàng ngày thu dọn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chuồng không bị ẩm ướt, trơn trợt. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò.
Ngoài ra, chủ động ứng phó khi có rét đậm xảy ra, các xã, thị trấn phải sử dụng nguồn dự phòng ngân sách thực hiện công tác chống rét như: Hỗ trợ hộ nghèo mua bạt che chắn chuồng trại, thức ăn tinh cho trâu, bò và hỗ trợ các hộ có gia súc bị chết rét theo quy định. Bằng các biện pháp khẩn trương và kiên quyết tin rằng đàn gia súc của người dân sẽ an toàn vượt qua thời tiết khắc nghiệt của vùng cao.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32761&CatID=150&MN=26
Có thể bạn quan tâm

Với việc chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C, hàng chục ngàn nông dân tại Tây Nguyên đã tăng thêm thu nhập hàng năm lên 14%/ha cà phê so với cách canh tác truyền thống.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có đến 582 lô hàng thủy sản bị 38 nước trả về.

Ông Trần Văn Lâm (sinh năm 1977), hiện cư ngụ ấp 17, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đã mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi, từ đó kinh tế gia đình khá lên nhờ mô hình sản xuất ếch Thái Lan.

Đông Hải có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản. Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 38.500 ha, hằng năm cho sản lượng hơn 60.000 tấn, trong đó sản lượng tôm là hơn 33.000 tấn, cá và thủy sản khác sản lượng hơn 26.000 tấn.

Không những thành công từ mô hình ươm cây, tạo cảnh quan bóng mát, anh Nguyễn Văn Thi (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) còn mạnh dạn thuê 2ha đất để trồng chuối, thu lợi gần 300 triệu đồng/năm.