Đồng Tháp Chuyển Biến Tích Cực Trong Việc Ứng Dụng Bao Xoài Bằng Túi Xốp

Bao trái xoài bằng túi xốp hiện không còn là kỹ thuật xa lạ đối với nhà vườn. Nếu như trước đây, bao trái bằng túi xốp chỉ được ứng dụng ở các mô hình trình diễn thì giờ đây kỹ thuật này trở thành phổ biến.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, kỹ thuật bao trái được thực hiện lần đầu tiên ở huyện Cao Lãnh vào khoảng năm 1997. Tuy nhiên, phải đến năm 2000, sau nhiều chương trình khuyến nông của địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) thì kỹ thuật bao trái xoài bằng nguyên liệu túi xốp mới thật sự được ứng dụng rộng rãi.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nhiều nhà vườn có những cách nhìn mới đối với việc ứng dụng bao trái trên xoài. Từ nghi ngờ, e dè của buổi đầu, dần dần nhà vườn tin tưởng tuyệt đối về tính hiệu quả của túi xốp.
Cụ thể là số lượng bao trái được sử dụng tăng dần qua từng năm, năm 2000 số lượng bao trái tiêu thụ rất khiêm tốn, chỉ khoảng từ 5 - 10 nghìn bao/năm, đến năm 2006 bao trái tăng lên 50 nghìn bao/năm.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ của Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, số lượng bao trái tiêu thụ trên địa bàn huyện Cao Lãnh khoảng 3 - 4 triệu bao/năm. Hiện tại diện tích trồng xoài của huyện Cao Lãnh là 3.700ha, trong đó diện tích đã áp dụng kỹ thuật bao trái chiếm khoảng 70%. Xoài Cao Lãnh và xoài Cát chu Cao Lãnh là hai giống xoài chủ lực được nhà vườn ưu tiên áp dụng.
Sử dụng bao trái bằng túi xốp tránh được sự va chạm cơ học do gió gây ra trên trái xoài, do đó giảm sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương. Với kỹ thuật bao trái, nhà vườn hạn chế tối đa bệnh thán thư và xì mủ trên trái gây ra, làm tăng năng suất từ 20 - 30% và tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch. Từ đó, màu sắc trái đẹp, bệnh trái sau thu hoạch giảm, giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 3-5 ngày so với bình thường.
Kỹ thuật bao trái với chất liệu đặc biệt nhập nội từ nước ngoài với nhiều ưu điểm như: không thấm nước, có khả năng cho ánh sáng xuyên qua và duy trì màu sắc trái như trong điều kiện sản xuất bình thường. Đặc biệt túi xốp có thể sử dụng qua 2 mùa và dễ phân hủy trong môi trường bình thường nên hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhờ sử dụng bao trái nên nhà vườn giảm được lượng đáng kể thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh trên xoài. Nếu so sánh với sản xuất truyền thống thì kỹ thuật bao trái bằng túi xốp tăng lợi nhuận cho nhà vườn trung bình 50 triệu đồng/ha/năm. Nhà vườn có điều kiện đảm bảo sức khỏe hơn vì hạn chế tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nên xoài bao bằng túi xốp được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Trung bình, xoài được bao trái có giá cao hơn sản xuất thông thường từ 2 - 3 nghìn đồng/kg đối với xoài Cát chu Cao Lãnh và 5 - 10 nghìn đồng/kg đối với xoài Cao Lãnh, góp phần tăng lợi nhuận cho nhà vườn từ 30 - 50 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh cho biết: “Mặc dù qui trình sản xuất xoài áp dụng bao trái thể hiện nhiều tính ưu việt và được nhà vườn nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả qui trình này đòi hỏi phải tốn nhiều lao động trong khâu bao trái, trong khi vấn đề thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp là khó khăn nhiều nhất của địa phương.
Song song đó, một số diện tích vườn xoài trên địa bàn được trồng từ hột nên tán cây cao lớn gây khó khăn trong quá trình bao trái. Hiện tại, giá thành của túi xốp vẫn còn khá cao, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bao trái chưa đạt hiệu quả như mong đợi trên địa bàn huyện”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 4-11, Công ty TNHH một thành viên Sữa Lam Sơn, thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk đã nhập đàn bò sữa đầu tiên vào chăn nuôi tại trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, chính thức đưa trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 đi vào hoạt động.

Huyện chỉ đạo HTX vận tải Thạch Thành, ban chỉ đạo mía huyện, xã và các HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng kế hoạch bảo đảm trong khâu thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển hết mía nguyên liệu về nhà máy. Khắc phục tình trạng mía tồn đọng lâu ngày trên bãi, lái xe vận chuyển gây phiền hà cho người trồng mía, huyện đề nghị Công ty Việt – Đài đầu tư tu sửa, nâng cấp một số tuyến đường giao thông để tạo thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu.

Kết thúc cuộc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2005 - 2011, Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 14 Agro Viet 2014 ( từ ngày 14 – 17/11/2014), sẽ diễn ra hai hội nghị với nhiều nội dung quan trọng, gồm Hội nghị phân bón và hóa chất trong canh tác nông nghiệp và Hội nghị giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.

Tham dự phiên họp có đại diện 69 quốc gia thành viên và hơn 50 tổ chức là quan sát viên từ các quốc gia muốn trở thành thành viên ITTO trong tương lai, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và khu vực tư nhân liên quan đến quản lý rừng và thương mại lâm sản.