Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đóng Tàu Vỏ Thép Là Để Phục Vụ Quyền Lợi Của Ngư Dân!

Đóng Tàu Vỏ Thép Là Để Phục Vụ Quyền Lợi Của Ngư Dân!
Ngày đăng: 04/06/2014

Đó là khẳng định của ông Phan Đức Tú- Tổng giám đốc ngân hàng BIDV Việt Nam tại buổi tọa đàm triển khai chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ năm 2014, do BIDV Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì vào chiều 3.6. Đây là chương trình được hầu hết các ngư dân đồng lòng ủng hộ với những ưu đãi chưa từng có.

Dự buổi tọa đàm còn có Phó Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Viết Chữ, đại diện Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh cùng các ngư dân Quảng Ngãi tiêu biểu.

Cho vay đến 90% giá trị con tàu

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn- Phó Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng, nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản sắp được ban hành sẽ có những ưu đãi chưa từng có cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Hiện cả nước có 117.000 tàu cá nhưng hầu hết đều là tàu vỏ gỗ, động cơ cũ, thu nhập người lao động chưa cao. Do đó, Chương trình tín dụng hỗ trợ ngư dân sẽ giúp lực lượng ngư dân có điều kiện cải thiện, đóng tàu sắt và giải quyết những vấn đề đang tồn tại.

BIDV Việt Nam thông báo sẽ dành khoản tín dụng 3.000 tỉ đồng cho ngư dân vay vốn để đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn. BIDV ưu tiên giải ngân cho ngư dân, các tổ đội khai thác hải sản đạt hiệu quả đóng tàu vỏ thép. Về vốn vay đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10-12 năm, đóng tàu vỏ gỗ là 70% trong vòng 7 năm. Lãi suất dự kiến 2-3%/năm.

Ông Phan Đức Tú- Tổng giám đốc BIDV Việt Nam khẳng định: “Ngoài ra, BIDV còn sử dụng nguồn vốn lưu động cho ngư dân vay mua ngư lưới cụ, trang thiết bị tàu cá với lãi suất khoảng 5%/năm. BIDV sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để đóng mới tàu cá; thủ tục vay vốn đơn giản, gọn nhẹ, đáp ứng yêu cầu của ngư dân”.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.400 tàu cá các loại, trong đó hơn 2.500 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện Quảng Ngãi là địa phương có mật độ tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất trong cả nước. Do đó, việc cải hoán, nâng cấp tàu là nhu cầu cấp thiết của ngư dân.

Ngư dân mong chờ sở hữu tàu vỏ thép

Sau khi nghe thông báo về chương trình tín dụng khai thác hải sản, nhiều ngư dân có mặt tại buổi tọa đàm đã thể hiện sự đồng lòng, ủng hộ chương trình. Ngư dân Phan Bé, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) khẳng định: Khi nghe Chính phủ có chương trình hỗ trợ ngư dân, tôi đã tìm hiểu nhiều nơi về tính hữu dụng của tàu vỏ thép. Qua đó, tôi đang đăng ký đóng tàu vỏ thép tại Công ty đóng tàu Nha Trang với thời hạn trả nợ trong vòng 7 năm.

Ngư dân Mai Thành Văn- người sở hữu con tàu vỏ thép đầu tiên tại Quảng Ngãi vừa kết thúc chuyến biển 40 ngày nhận định: Vận hành tàu vỏ thép rất an toàn với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ chuyến đánh bắt. Tuy nhiên, vốn đầu tư khá lớn nên nhiều ngư dân e ngại. Do đó, chương trình cho vay của BIDV ra đời đã đáp ứng được mong mỏi của ngư dân khi cho vay đến 90% giá trị con tàu.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân cũng mạnh dạn trình bày nhiều băn khoăn khi cho rằng thời hạn trả nợ và lãi suất 3%/năm vẫn còn khá cao. Ngư dân Võ Công Nhân, TP. Quảng Ngãi đề nghị: “Rất mong BIDV và Chính phủ xem xét giảm mức lãi suất và tăng thời hạn trả nợ, tạo điều kiện cho ngư dân có cơ hội sở hữu những con tàu hiện đại”.

Nói thêm về chương trình tín dụng, ông Phan Đức Tú- Tổng giám đốc BIBV Việt Nam khẳng định: Việc trả nợ của ngư dân sẽ linh động theo quý hoặc theo thời vụ tùy vào đặc thù khai thác thủy sản của từng vùng, từng tàu cá. Việc đóng tàu thép là để phục vụ quyền lợi của ngư dân nên thiết kế tàu sẽ đa dạng, đáp ứng yêu cầu của ngư dân.

Đồng chí Lê Viết Chữ- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng: Sau khi sở hữu những con tàu hiện đại, để thu về hiệu quả cao nhất, ngư dân phải thay đổi cách làm ăn, chuyển từ đánh bắt đơn lẻ sang tập thể. Đồng thời, lựa chọn mẫu thiết kế tàu phù hợp cho từng ngành nghề của ngư dân. Việc thành lập hợp tác xã tàu đánh bắt xa bờ, đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá… là điều cần làm hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sở hữu tàu vỏ thép là mong muốn từ lâu của ngư dân. Quảng Ngãi chỉ mới có 1 chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trong số 5.400 tàu cá, vì tài sản thế chấp quá lớn. Nhưng chương trình tín dụng của BIDV đã gỡ bỏ nút thắt này. Đây là chương trình tiên phong trong việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vươn khơi xa. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ ủng hộ đối với chương trình này.

Thông qua các ý kiến của ngư dân tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Trường Thọ mong muốn ngân hàng và cấp trên xem xét giải quyết, tạo điều kiện hết mức có thể cho ngư dân. Về phía tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tổ chức đào tạo kỹ thuật cho các máy trưởng, thuyền trưởng… để vận hành tốt các tàu vỏ thép trong tương lai. Tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ có chính sách hỗ trợ phần nào về kinh phí cho các ngư dân.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Ốc Hương Nuôi Ốc Hương "Một Vốn - Ba Lời"

Theo tính toán của người dân, cứ 1 kg (khoảng 1 vạn con) ốc hương giống nuôi trong một lồng (diện tích 3x4 m), sau 5 tháng sẽ cho 80-100 kg ốc thương phẩm, chi phí tính gộp chưa đến 4,5 triệu đồng.

25/12/2010
Triển Khai Mô Hình “Nuôi Cua Công Nghiệp” Triển Khai Mô Hình “Nuôi Cua Công Nghiệp”

Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, năm 2010 được sự hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình dự án KNKN thuộc Trung tâm KNKN Quốc gia, Trung tâm KNKN Bạc Liêu đã triển khai mô hình “ Nuôi cua công nghiệp” trên địa bàn 2 huyện Hòa Bình, Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

08/03/2011
Đồng Bằng Sông Cửu Long Sẽ Là Vùng Nông Sản Lớn Toàn Cầu Đồng Bằng Sông Cửu Long Sẽ Là Vùng Nông Sản Lớn Toàn Cầu

Phạm vi quy hoạch vùng ĐBSCL gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau

17/03/2011
Họp 4 Bên Về Vấn Đề Cá Tra Tại Thụy Sĩ Họp 4 Bên Về Vấn Đề Cá Tra Tại Thụy Sĩ

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Vasep, ngày 23/3/2011, ông Mark Powell đã đồng ý với đề nghị của VASEP tổ chức một cuộc họp 4 bên (WWF quốc tế, WWF Việt Nam, VASEP và Vinafish).

31/03/2011
Xét Nghiệm Thành Công Bệnh Vi Bào Tử Ở Tôm Sú Xét Nghiệm Thành Công Bệnh Vi Bào Tử Ở Tôm Sú

Ngày 6/4, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu cho biết, sau nhiều tháng theo dõi, nghiên cứu, đơn vị đã thực hiện xét nghiệm thành công bệnh vi bào tử ở tôm sú

16/04/2011