Đóng Tàu Cá Vỏ Sắt Cho Ngư Dân

Dù đã được dự tính trong một thời gian khá dài, thế nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nên đến thời điểm này, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi mới thực hiện được ý tưởng đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân vươn ra khơi xa, với tổng số tiền đầu tư dự tính khoảng 12 tỉ đồng.
Ý tưởng
Ông Phùng Đình Toàn, đại diện Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi tâm sự: Không phải đến bây giờ, mà ý định đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân ra khơi đã được lãnh đạo của quỹ ấp ủ từ lâu.
Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu là do nguồn kinh phí của quỹ trong những ngày đầu thành lập chưa nhiều, cho nên chưa thể thực hiện được. Nói về quyết định này, ông Toàn bày tỏ: Lâu nay cùng với vốn tự bỏ ra, từ các chủ trương chính sách và hỗ trợ của các cấp, ngành của tỉnh, trung ương; ngư dân Quảng Ngãi đã cải hoán, đóng mới phương tiện công suất lớn từ 300-700 CV, mua sắm thiết bị hiện đại như máy dò cá sóng ngang, sóng dọc, định vị... để ra khơi.
Nhờ vậy lợi nhuận trong những chuyến đánh bắt đã được nâng cao. Theo thống kê Quảng Ngãi hiện có 5.460 tàu đánh cá, tổng công suất trên 840.000 CV, công suất trung bình 164 CV/ chiếc.
Trong đó số tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 90 CV trở lên khoảng 2.400 chiếc. Tuy nhiên đại đa số tàu cá của ngư dân có vỏ bằng gỗ, cho nên gặp một số hạn chế, điểm yếu; nhất là khi gặp gió bão, tàu lạ uy hiếp và rượt đuổi.
Vì vậy ngoài từng bước góp phần hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, việc Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đầu tư đóng tàu cá vỏ thép, với trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, hệ thống máy dò cá và hầm bảo quản thủy sản… sẽ giúp cho ngư dân khai thác hiệu quả hơn khi vươn ra đánh bắt tại các vùng biển xa, đặc biệt là Hoàng Sa.
"Sau 3 năm thành lập đến nay, "Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi" đã huy động và nhận được sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh được tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Qua đó quỹ đã tiến hành hỗ trợ cho các trường hợp ngư dân và chủ tàu bị nạn trên biển; cho mượn với lãi suất ưu đã để đóng mới phương tiện tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng"
Đã được thực hiện
Theo đó trước mắt, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi sẽ đóng 2 tàu cá vỏ thép, có công suất khoảng 700 CV/chiếc, với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng/2 chiếc để chuyển giao cho ngư dân.
Tàu đóng xong sẽ giao cho đối tượng ngư dân nào, mức tiền nộp lại khi được sử dụng tàu hàng tháng, năm để tái phát triển quỹ là bao nhiêu... đang được lãnh đạo quỹ bàn tính để đưa ra tiêu chí, hạn mức cụ thể để phù hợp và có lợi cho ngư dân nhất.
Tuy nhiên tiêu chí đầu tiên là giao cho những ngư dân tham gia đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, ông Toàn cho biết. Riêng về thời gian khởi đóng hiện tuy chưa được ấn định cụ thể, thế nhưng chắc chắn sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất. Còn đơn vị được chọn đóng thì dự kiến là Nhà máy đóng tàu Nha Trang-Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).
Được biết, trước đó SBIC đã đầu tư tổng số tiền khoảng 6,5 tỉ đồng để đóng, hạ thủy tàu đánh cá bằng vỏ sắt đầu tiên mang tên Hoàng Anh 01 và bàn giao cho ngư dân Quảng Ngãi là anh Mai Thành Văn, ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn. Chiếc tàu này có chiều dài 25,2m, rộng 7,5m, cao 3,6m, công suất trên 900 CV, với tổng trọng tải khoảng 120 tấn.
Tàu có 6 khoang chứa cá, 2 khoang chứa thiết bị, ngư cụ, 1 khoang chứa thực phẩm, thức ăn phục vụ trên tàu, 1 hầm khoang máy, với 2 két chứa dầu là 18m3 và két chứa 18m3 nước ngọt. Theo đó trong vòng thời gian từ 5-7 năm, ngư dân Thành sẽ trả lại vốn cho SBIC.
Có thể bạn quan tâm

Trở lại thôn Bàu Ngứ thuộc xã Phước Dinh vào những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Tỵ- 2013, chúng tôi gặp nhân dân địa phương nhộn nhịp chuẩn bị vui xuân đón tết đầm ấm, thanh bình.

Năm 2010, anh đầu tư gần 5 triệu đồng mua cây giống và thuê công làm đất để trồng gần 600 cây đu đủ trên 2,5 sào đất của gia đình tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên sau 7 tháng vườn đu đủ của anh sai trĩu quả và cho thu hoạch.

Chuyện anh Nguyễn Thành Ngọc thoát nghèo bền vững từ cây mãng cầu trở thành mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp ở thôn Bàu Ngứ, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Tỉnh ta có tiềm năng lớn về khai thác và nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) , hằng năm cung cấp nguyên liệu chính cho nghề chế biến và xuất khẩu thủy sản (TS). Tuy nhiên, chế biến TS mang lại giá trị kinh tế chưa cao do thiếu sự quan tâm trong công đoạn bảo quản sản phẩm.

Gần đây, ở tỉnh ta xuất hiện ngày càng nhiều các tổ hợp tác (THT) làm ăn có hiệu quả. Hoạt động của THT đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.