Đồng Nai phát hiện 4 trại heo sử dụng chất tạo nạc

Chi cục Thú y Đồng Nai ngày 22/7 cho biết vừa kiểm tra một số trại chăn nuôi trên địa bàn và phát hiện 4 trại sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo.
Trước đó, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thú y Đồng Nai phối hợp phòng kinh tế các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc và UBND các xã trực thuộc bốn huyện trên đã kiểm tra một số trang trại nông hộ được chọn trên địa bàn.
Bước đầu, qua kiểm tra lấy mẫu một số trang trại ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), đoàn liên ngành lấy tám mẫu đem xét nghiệm tại Phân viện Thú y Nam bộ. Kết quả, có 4/8 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist, một loại thuốc tạo nạc.
Bốn hộ vi phạm gồm: hộ ông Trịnh Hữu Nghị, hộ ông Nguyễn Thành An (cùng ngụ KP 4, thị trấn Vĩnh An), hộ ông Nguyễn Khoa Hồ và hộ bà Bùi Thị Sáu (cùng ngụ KP 6, thị trấn Vĩnh An).
Tổng đàn heo của bốn hộ trên khoảng 300-400 con heo thịt. Chi cục Thú y Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi hộ 15 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với trang trại, lập biên bản tạm giữ đàn heo có mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm, buộc các hộ phải ngừng ngay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Đồng thời, đoàn liên ngành sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sau 10 ngày, các hộ chỉ được xuất bán khi kết quả xét nghiệm âm tính.
Ông Trần Minh Thành - phó phòng thanh tra Chi cục Thú y Đồng Nai, trưởng đoàn liên ngành - cho biết chất tạo nạc có tác dụng làm heo nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc.
Khi heo được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, nếu không bán nhanh heo sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi heo gần đến ngày xuất chuồng.
“Các chuyên gia đã cảnh báo người tiêu dùng ăn phải thịt heo có tồn dư chất cấm thuộc nhóm beta-agonist sẽ bị ngộ độc, về lâu dài tồn dư các chất này trong thịt heo có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng, thậm chí gây chết người.
Hiện chi cục đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu được lấy tại ba huyện Long Thành, Trảng Bom và Xuân Lộc để có phương pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật” - ông Thành cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng (Kiên Gang) cho biết, năm nay toàn huyện nông dân xuống giống được khoảng 86 ha gừng. Diện tích này thấp hơn nhiều so với cách đây mấy năm, còn nhớ lúc cao điểm lên đến gần 300 ha.

Cty chúng tôi cũng như các DN đầu tư trong lĩnh vực SX, nuôi trồng và chế biến thủy sản ở ĐBSCL hiện nay đang có những vấn đề rất cần những nghiên cứu của nhà khoa học.

Trong khi dư luận vẫn chưa hết hoang mang về vụ việc một số loại hoa quả tẩm thuốc bảo quản để một thời gian dài không hỏng, việc mua bán các loại hóa chất này vẫn diễn ra công khai trước sự bất lực của các cơ quan quản lý. Những loại hóa chất này luôn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát vừa cho biết, năm 2015, Việt Nam sẽ trồng ngô biến đổi gene. Việc Việt Nam chậm trễ trong việc đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất, vì: “Ở ta, có nhiều người phản đối trồng cây biến đổi gene, nên phải làm rất khoa học, bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Mãi mới đây, chúng ta mới công nhận được 4 sự kiện biến đổi gene được sử dụng ở Việt Nam”- ông Phát nói.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, báo cáo tình hình KT – XH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho biết: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 đã và đang có những dấu hiệu chuyển biến hết sức tích cực. Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2015.