Đồng Nai Gỡ Khó Cho Người Chăn Nuôi

Ngày 6-3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp đột xuất nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong dịch cúm.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, đánh giá dịch cúm gia cầm đang có hiện tượng lây lan. Sau Trảng Bom và Cẩm Mỹ, huyện Vĩnh Cửu là địa phương thứ 3 của tỉnh xuất hiện dịch trên đàn vịt hơn 20 ngàn con.
Ngăn ngừa dịch lây lan
Điều đáng lo ngại là chủng virus H5N1 vừa phát hiện tại Đồng Nai thuộc nhánh virus lưu hành tại các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, các đàn gà trên địa bàn tỉnh chủ yếu được tiêm phòng vaccine RE5, chỉ có hiệu lực trong phòng cúm nhánh 1.1 vốn phổ biến tại phía Nam.
Trước tình hình trên, ngay từ ngày 6-3, Chi cục Thú y tỉnh đã cử đoàn cán bộ về phối hợp với huyện Vĩnh Cửu triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng dập dịch; tăng cường công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng, lập các chốt kiểm dịch…
Theo ông Quang, ngay khi phát hiện, chi cục đã tạm ứng 100 ngàn liều vaccine đặc trị chủng cúm này, bước đầu tập trung tiêm phòng cho địa phương xuất hiện ổ dịch và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh. “Trong giai đoạn dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ các trang trại lớn mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động liên hệ với cán bộ thú y ở cơ sở để kịp thời tiêm phòng cho gia cầm. Mỗi lọ vaccine có khoảng 500 liều, những hộ chăn nuôi chỉ vài chục đến vài trăm con có thể cùng nhau mua về sử dụng chung” - ông Quang khuyến cáo.
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: “Tuy Sở tăng cường công tác quản lý chặt hoạt động vận chuyển gia cầm sau khi phát sinh ổ dịch nhưng vẫn tạo điều kiện cho các trang trại lớn, an toàn đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Hiện toàn tỉnh tập trung tổng lực cho công tác dập dịch và phòng ngừa; tập trung quản lý đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gà giống; việc tổ chức tái đàn”.
Hỗ trợ người chăn nuôi
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, cho rằng: “Đồng Nai cần sớm công bố dịch để người chăn nuôi được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, như: khoanh nợ, giãn nợ… Những trang trại, hộ chăn nuôi có phương án sản xuất hiệu quả vẫn được ngân hàng giải quyết cho vay mới. Đồng Nai đang kiến nghị mở rộng danh sách các ngân hàng được hỗ trợ cho nông dân khi vay vốn.
Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận xét: “Tuy Đồng Nai có điều kiện tổ chức giết mổ, trữ đông sản phẩm gia cầm nhưng giải pháp này khó khả thi vì người tiêu dùng vẫn có thói quen tiêu thụ thịt “nóng”. Tại trang trại, giá gia cầm liên tục giảm mạnh, trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không giảm có phải do tư thương lợi dụng khó khăn để ép giá? Ở đây cần vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với sản phẩm an toàn”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, các trang trại, hộ chăn nuôi không chấp hành việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm

Những tháng đầu năm 2014, giá tôm liên tục giảm và hiện chỉ còn 85.000-100.000 đồng/kg loại 100 con/kg; cộng với nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam bị đối tác Nhật, EU cảnh báo, thậm chí trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép đã gây hoang mang cho nhiều người.

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được khởi xướng cách đây 5 năm. Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả, song dường như vẫn chỉ tập trung cho hàng của các doanh nghiệp, còn hàng nông sản của nông dân vẫn bị bỏ ngỏ trong cuộc vận động lớn và nhiều ý nghĩa này.

Hằng năm, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cung cấp ra thị trường trên 850 tấn rau màu các loại. Tuy nhiên, khâu đóng gói, bảo quản rau màu của HTX còn hạn chế nên sản phẩm của HTX giá bán còn bấp bênh. Việc đầu tư hoàn thiện quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản được xem là yêu cầu cấp bách để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm rau màu của HTX.

Cũng như ngư dân cả nước, ngư dân Đà Nẵng mong chờ chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt khai thác và đánh bắt xa bờ trong gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ sớm được triển khai để ngư dân đóng tàu vỏ sắt vươn khơi bám biển đánh bắt thủy, hải sản cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi hộ nhận vay số tiền hỗ trợ từ 10 - 35 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng, thời hạn vay 24 tháng. Nguồn vốn này giúp các hộ tu sửa hệ thống đê bao bảo vệ xoài, xây dựng kho và đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sản xuất xoài theo hướng GAP như máy bơm, túi bao trái, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.